Từ năm 2022 đến nay, ngành bất động sản gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô không ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng mất thanh khoản, sa thải hàng loạt người lao động.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các ban ngành đã có loạt giải pháp nhằm tháo gỡ, rã đông thị trường bất động sản. Theo Chứng khoán VNDirect, áp lực chi phí lãi vay của doanh nghiệp bất động sản phần nào hạ nhiệt nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ. Về tháo gỡ mặt pháp lý cũng có động thái tích cực.
TP.HCM đặt mục tiêu tháo gỡ pháp lý cho 50 dự án bất động sản trong năm nay. Các Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị định 33/2023/NQ-CP giúp doanh nghiệp gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Nghị quyết số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng vượt qua khó khăn hãy còn rất nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch hiệp hội bất động sản Việt Nam đánh giá sau gần 5 tháng ban hành, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa phát sinh dư nợ đáng kể. Tình trạng nhiều dự án chưa được tháo gỡ vướng mắc một phần do một số địa phương còn thiếu cơ chế và quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhìn nhận còn rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó khăn, chậm hoặc dừng triển khai. Nguyên nhân là vướng mắc pháp lý về đất đai, nhất là quy định về phương pháp định giá đất; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; điều kiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
VNDirect cũng cho rằng cơ quan quản lý cần quyết liệt và đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ thị trường hồi phục một cách tốt nhất, nhằm thúc đẩy những phân khúc nhà ở gắn liền với nhu cầu thực của người mua nhà. Công ty chứng khoán này tin rằng Luật Đất đai 2023 được thực hiện đúng tiến độ và sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024, được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn đối với lĩnh vực bất động sản khi giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án ở các dự án khu dân cư mới, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi trong giai đoạn 2024-2025. Theo đó, thị trường bất động sản có thể vẫn trầm lắng trong năm tới, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024.
"Rục rịch" chuẩn bị cho giai đoạn mới
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang “rục rịch” chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi của thị trường. Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) vừa tổ chức họp ĐHCĐ bất thường để trình cổ đông những kế hoạch đầu tư mới trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản.
Cụ thể, lãnh đạo CII trình cổ đông thông qua việc nghiên cứu danh mục dự án BOT tổng đầu tư tổng đầu tư lên đến 113.000 tỷ đồng. Bao gồm những dự án lớn quy mô chục nghìn tỷ đồng như đường trên cao Bắc – Nam (38.000 tỷ đồng), dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 (22.000 tỷ đồng), dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM (19.059 tỷ đồng)…
Ở mảng bất động sản, doanh nghiệp nhắm đến phân khúc bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế. Loại hình sản phẩm này sẽ hướng đến tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, các gia đình có người cao tuổi, cũng như Việt kiều và người nước ngoài có mong muốn lựa chọn Việt Nam làm nơi nghỉ hưu, an dưỡng điền viên cùng con cháu. CII dự định lựa chọn những vị trí có khả năng kết nối với các tuyến cao tốc đã và đang hình thành để phát triển loại hình bất động sản này nhằm rút ngắn thời gian di chuyển tới TP.HCM.
CII đã tổ chức họp ĐHCĐ bất thường vào ngày 19/9 nhưng không thành công do tỷ lệ cổ đông tham gia thấp hơn quy định. Công ty sẽ tổ chức lại lần 2 trong tháng 10, ban lãnh đạo kỳ vọng được cổ đông thông qua để sớm triển khai nghiên cứu nắm bắt cơ hội.
Ngày 14/9, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) thông báo đã đạt được thỏa thuận đầu tư với Koterasu Partners Pte. Ltd trị giá 10 triệu USD (235 tỷ đồng). Theo đó, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản sẽ mua cổ phiếu thứ cấp của An Gia với tổng giá trị 235 tỷ đồng thông qua hình thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trực tiếp trên sàn chứng khoán.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT tin rằng với những chính sách hỗ trợ quyết liệt từ Chính phủ thì thị trường bất động sản dần hồi phục, công ty đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng quỹ đất và phát triển các dự án mới. Khoản đầu tư của Koterasu sẽ giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn tài chính phục vụ cho kế hoạch M&A trong thời gian tới.
An Gia định hướng mở rộng quỹ đất tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nhưng trong nửa đầu năm công ty tạm ngưng M&A quỹ đất. Ông Sáng lý giải là do chi phí lãi vay có xu hướng tăng cao, bài toán tài chính về hiệu quả đầu tư không đảm bảo để thực hiện các cấu trúc đầu tư như trước đây. Việc tìm kiếm các kênh tín dụng mới để thực hiện dự án và tích lũy quỹ đất cũng trở nên khó khăn hơn.
Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) cũng vừa công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 5 năm. 6 tháng đầu tiên lãi suất 9,6%/năm, sau đó lãi suất danh nghĩa cộng biên độ 2,5%/năm. Mục tiêu huy động vốn là để đầu tư khu dân cư Nam Long 2 thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Dự án đã có các phê duyệt chính từ cơ quan chức năng có thẩm quyền từ 2019 – 2020.
Phân khúc bất động sản Nam Long hướng tới trong ngắn hạn là nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Trong dài hạn, công ty phát triển khu đô thị tích hợp và tiện ích khu đô thị. Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc cho biết Nam Long cam kết đóng góp 20.000 căn nhà ở xã hội trong những dự án công ty làm. Nam Long có dòng sản phẩm Ehome phù hợp định hướng này. Không chỉ vậy, công ty có thể nghiên cứu xây dựng những đô thị tích hợp nhà ở xã hội và nhà vừa túi tiền ở những địa phương phù hợp.