Doanh nghiệp lo lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, Thống đốc NHNN nói gì?

Ngoài câu chuyện lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp cũng có nhiều đề xuất khác với NHNN như rút ngắn thời gian phê duyệt cho vay xuống còn 1 tháng, giảm phí phạt trả nợ trước hạn còn 1%,...

Chiều ngày 21/9, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã tham gia đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo ngành ngân hàng, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Đề xuất giảm phí phạt trả nợ trước hạn

Tại Hội nghị, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) cho biết, hiện nay việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) rất khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay 6 tháng.

Ông Sơn đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt rút ngắn thời gian giải ngân là 1 tháng cho tất cả các khoản vay.

Theo ông Sơn, hiện nay doanh nghiệp phải gồng mình trong nền kinh tế khó khăn, dẫn đến bức tranh tài chính không đẹp đủ để đáp ứng tiêu chí ngân hàng đề ra. Điều này khiến doanh nghiệp không vay được vốn hoặc đang vay thì bị dừng giải ngân. “Chúng tôi không đề nghị ngân hàng hạ mức chuẩn tín dụng nhưng có thể điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính trong thời điểm khó khăn này để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất kinh doanh", ông nói.

Theo ông Sơn, việc giảm lãi suất không kịp thời là một phần khiến doanh nghiệp khó khăn hơn, đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Do đó, ông Sơn đề xuất giảm trực tiếp lãi suất 2% từ nguồn lợi nhuận ngân hàng, áp dụng với tất cả các khoản vay. Một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank đã giảm ngay lãi suất trên toàn hệ thống mà chưa cần văn bản đề nghị của doanh nghiệp. Ông mong muốn các ngân hàng khác cũng sẽ triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp như vậy.

Với vay vốn trung dài hạn thì việc vay định chế tài chính khác để trả nợ thường chịu phạt lãi trả trước từ 1-5%. "Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì cũng sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1% số tiền trả nợ trước hạn, không phân biệt nguồn tiền thu được từ dự án hay vay từ định chế tài chính khác", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng đề cập đến câu chuyện doanh nghiệp khó khăn nhưng không cơ cấu kịp thời. Do đó đề xuất phía ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ bảo đảm để doanh nghiệp điều kiện hoạt động bình thường.

Lãi suất giảm thì tỷ giá tăng, doanh nghiệp chưa hết lo

Đại diện một doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Hùng - hiện phụ trách Tài chính kế toán của CTCP Cơ khí Đông Anh cũng bày tỏ có nhiều khó khăn với doanh nghiệp hiện nay. Ông Hùng cho biết quy mô doanh thu hàng năm của công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng. Vừa qua công ty này đã cũng nhận được những hỗ trợ của ngân hàng như việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, giai đoạn qua đơn vị này cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề gặp phải như cầu của thị trường giảm kéo theo doanh thu giảm, tồn kho tăng, đọng vốn, chi phí tài chính tăng cao, tỷ giá biến động lớn. Ngoài ra, sức khoẻ của các doanh nghiệp xung quanh suy yếu cũng dẫn tới rủi ro phát sinh nợ phải thu khó đòi của công ty cũng tăng.

Ông Nguyễn Việt Hùng đưa ra nhiều đề xuất tại hội nghị. Một là việc giảm lãi suất 2%, đề nghị có những chính sách kéo dài thời gian hỗ trợ. “Tôi cũng mong hồ sơ, thủ tục rõ ràng hơn. Thực tế chúng tôi cũng chưa tham gia vào gói hỗ trợ lãi suất này vì e ngại hậu kiểm”.

Vị này cũng nói thêm câu chuyện việc bị giới hạn room tín dụng của các ngân hàng vào thời điểm năm trước gây trở ngại trong việc điều tiết dòng tiền của doanh nghiệp. "Năm nay chắc sẽ không xảy ra câu chuyện này nhưng tôi mong phía ngân hàng có biện pháp phù hợp để tình huống này không xảy ra nữa", ông nói.

Theo ông Hùng, mặt bằng lãi suất đã giảm và hiện không còn cao nữa, như doanh nghiệp của ông đang được vay với lãi suất 5,2-5,6%. “Tôi rất mong NHNN sẽ duy trì được mặt bằng lãi suất thấp này trong thời gian dài”.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, ông nhận thấy mỗi khi lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Ông đề nghị phía cơ quan chức năng có biện pháp phù hợp để ổn định tỷ giá.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề tỷ giá là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Tỷ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp.

“Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Tại cuộc họp gần đây, tôi cũng đã có nói, điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định hiện NHNN theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.