Lùm xùm cắt điện cao tốc vì nợ tiền điện
Thông tin từ Báo Tuổi trẻ, theo thông báo của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, đến nay Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) chưa thanh toán tiền điện chiếu sáng tại các nút giao của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhiều kỳ (tháng 2 và 3-2024) nên ngưng cấp điện.
Sau thông tin trên, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã phản hồi với Tuổi trẻ cho biết, Điện lực Đồng Nai không có chủ trương thực hiện ngưng cung cấp điện đối với hệ thống chiếu sáng tại các nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Báo Đồng Nai, trước đó, Điện lực Xuân Lộc và Điện lực Cẩm Mỹ đã có văn bản gửi đến VEC E thông báo về việc ngưng cấp điện do nợ tiền điện liên quan đến hệ thống chiếu sáng tại các nút giao thuộc tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn đi qua địa bàn tỉnh.
Hiện nay, VEC E nợ Điện lực Xuân Lộc hơn 19 triệu đồng tiền điện sử dụng chiếu sáng tại 2 vị trí nút giao giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường tỉnh 765 (ấp Bình Minh, xã Xuân Hiệp) và quốc lộ 1 (xã Xuân Tâm) và nợ Điện lực Cẩm Mỹ hơn 27,7 triệu đồng tiền điện để sử dụng chiếu sáng tại vị trí nút giao Km99 và nút giao giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 56.
Tuy nhiên, Điện lực Cẩm Mỹ chỉ thực hiện việc thông báo ngừng cung cấp điện bằng văn bản nhưng chưa thực hiện ngừng cấp điện trên thực tế. Còn việc Điện lực Xuân Lộc cắt điện tại các nút giao của đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 và đường tỉnh 765 chỉ diễn ra trong thời gian 5 phút từ 18 giờ đến 18 giờ 5 phút ngày 12/4 do thiếu sót, không phải dừng cấp do VEC E nợ tiền điện.
Đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây có chiều dài khoảng 99km, trong đó đoạn qua Đồng Nai có chiều dài khoảng 51km, là 1 trong các dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án được khởi công vào cuối tháng 9/2020, tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng. Cuối tháng 4-2023, dự án đã đưa vào khai thác tuyến chính, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đạt trên 5,3 triệu lượt xe (trung bình hơn 17 ngàn lượt xe/ngày, đêm).
Theo Vnexpress, VEC E được Ban quản lý dự án Thăng Long giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây từ ngày 29/4/2023 đến khi lựa chọn được đơn vị thực hiện quản lý, vận hành. Tuy nhiên, do chưa xác định được nguồn kinh phí chi trả, đến nay sau gần một năm, VEC E vẫn chưa được Ban quản lý dự án Thăng Long thanh toán giá trị thực hiện công tác bảo trì. Trong khi đó, VEC E cho biết sau gần một năm khai thác, chi phí vận hành, bảo trì... cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hơn 10 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc hôm 19/4 giữa Ban Quản lý dự án Thăng Long và VEC E, hai bên thống nhất Ban quản lý dự án Thăng Long tiếp tục báo cáo Bộ GTVT về nguồn kinh phí trả cho VEC E. Nếu đến ngày 28/4, khoản kinh phí này vẫn chưa xác định được, VEC E sẽ tạm dừng quản lý, vận hành, bảo trì cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
VEC E kinh doanh như thế nào?
Theo giới thiệu trên website, VEC E được thành lập từ tháng 4/2010, có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc; kinh doanh kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bốc xếp hàng hoá đường bộ, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ; kinh doanh quảng cáo; kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch; quản lý khai thác các công trình hạ tầng giao thông đường bộ và kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị phục vụ xây dựng.
Bên cạnh đó, VEC E cũng tham gia lĩnh vực tư vấn, xây dựng công trình. Công ty đã tham gia xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tham gia thi công xây dựng cầu Long Thành, Trạm thu phí Dầu Giây, trạm thu phí Long Phước. Đồng thời, công ty cũng kinh doanh lĩnh vực kinh doanh bất động sản (Đầu tư kinh doanh bất động sản và Tư vấn, đầu tư, môi giới, đấu giá bất động sản).