Doanh nghiệp sản xuất Mỹ tăng cường dùng robot và tự động hóa

Do tình trạng thiếu nhân công do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ đang mạnh tay chi tiêu cho robot và thúc đẩy tự động hóa.

Số đơn hàng đặt mua robot công nghiệp tại Mỹ đã tăng đến 40% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Phát triển Tự động hóa Mỹ - cơ quan đại diện cho ngành công nghiệp robot tại đây. Mức tăng trưởng số đơn hàng robot tại Mỹ tăng 22% trong năm 2021. 

Nhờ nguồn nhân công lớn và lương ổn định, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ vốn chưa quá vội vàng sử dụng nhiều robot. Theo Liên đoàn Robot học Quốc tế (IFR), tỷ lệ robot được sử dụng trên 10.000 công nhân tại Mỹ vẫn đứng sau một số quốc gia phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Lĩnh vực sử dụng nhiều robot nhất tại Bắc Mỹ vẫn là ngành công nghiệp ô tô. 

Tuy vậy, tỉ trọng đơn hàng robot của ngành ô tô đã giảm từ 71% năm 2016 xuống còn 42% năm 2021, trong khi một số ngành khác như thực phẩm, đồ gia dụng và dược phẩm có xu hướng dùng nhiều robot hơn. Lương tăng và tình trạng thiếu nhân công đang khiến một số doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ thay đổi quan điểm về robot và tự động hóa. 

Delphon Industries - một công ty chuyên sản xuất thiết bị đóng gói chip, thiết bị y tế và sản phẩm phim công nghiệp - mất khoảng 40% số ngày sản xuất trong tháng 1/2022 khi nhiều công nhân và nhân viên nhiễm Covid-19. Vấn đề này đã thúc đẩy Delphon mua thêm 3 robot vào đầu năm. 

Ông Joe Montano - CEO của Delphon Industries - nói rằng Delphon bắt đầu cho thuê robot từ 4 năm trước để giảm chi phí ban đầu. Hiện Delphon có tổng cộng 10 robot, trong đó có 4 cobot làm việc và tương tác trực tiếp với con người. 

2 cobot giúp giảm số người cần có để thực hiện công đoạn in lên thiết bị từ 3 xuống 1 và giúp tiết kiệm 16.000 USD mỗi tháng. Việc sử dụng robot còn giúp Delphon tăng 15% số đơn hàng giao trong năm 2020 và 2021 mà không cần tuyển thêm công nhân.

Athena Manufacturing, một doanh nghiệp sản xuất và gia công thiết bị kim loại cho ngành chip, năng lượng và hàng không vũ trụ, đã mua 7 robot trong vòng 18 tháng qua do số đơn hàng tăng trong khi nhân công lại thiếu. Trong 30 phút, một robot chuyên mài mối hàn giá 225.000 USD có thể hoàn thành công việc mà một nhân công cần 3 tiếng đồng hồ, giúp Athena đáp ứng lượng đơn hàng tăng cao. 

Ông Michael Cicco, CEO doanh nghiệp cung cấp robot công nghiệp Fanuc America, cho biết: “Robot đang dần trở nên dễ sử dụng hơn. Các công ty từng nghĩ rằng tự động quá quá khó làm, hoặc quá tốn chi phí triển khai.” 

Còn giáo sư kinh tế học Daron Acemoglu từ Viện Công nghệ Massachusetts tin rằng quá trình tăng cường tự động hóa sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nhân công và kéo lương giảm xuống, trừ khi các ngành kinh tế khác tại Mỹ có thể hấp thụ nguồn cung nhân công từ ngành sản xuất. 

Tùng Phong (Theo The Wall Street Journal)