Chuyển đổi số hiện nay đang từng bước thay đổi thế giới kinh doanh, không chỉ thay đổi cách doanh nghiệp được nhìn nhận mà còn thay đổi cả cách tổ chức hoạt động.
Với mỗi một doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ diễn ra với lộ trình khác nhau, bằng quá trình áp dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT)…
Từ đó, dẫn đến những thay đổi cơ bản đối với cách doanh nghiệp hoạt động và cách họ cung cấp giá trị cho khách hàng, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý.
Trong công cuộc chuyển đổi số đã rất mạnh mẽ ở Việt Nam, thực tế vẫn còn rất nhiều bài toán khó.
Theo báo cáo mới nhất của Cisco & IDC về mức độ tăng trưởng số của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số chưa thực sự quan trọng trong hoạt động kinh doanh, 62% doanh nghiệp kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp họ tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Đáng mừng là 56% doanh nghiệp nhận thấy sự cạnh tranh đang thay đổi và chuyển đổi số đã giúp họ làm được điều này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được trọn vẹn và đúng đắn về vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ chỉ mới 31% doanh nghiệp đang ở bước đầu của chuyển đổi số, 53% đang ở giai đoạn quan sát và chỉ 3% đã hoàn thiện cơ bản quá trình này.
Chia sẻ tại sự kiện TechFest mới đây, các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân tại Việt Nam các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)…
"Một thách thức quan trọng đối với các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam là làm sao áp dụng những đổi mới AI vào thực tế, giúp cải thiện hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này không chỉ đòi hỏi sự đổi mới về mặt kỹ thuật, mà còn cần sự chấp nhận và thích nghi từ phía người dùng ", ông Cao Xuân Hoài Vương - Chủ tịch Hội đồng quản trị AI Next Global cho biết.
Trong khi việc ứng dụng AI trong kinh doanh đã và đang mở ra một kỷ nguyên mới, nơi mà sự chính xác, nhanh chóng và hiệu quả trở thành yếu tố then chốt. 35% doanh nghiệp trên toàn thế giới đã nhận ra và ứng dụng lợi ích này và Việt Nam đang dần bắt kịp xu hướng này.
Theo đó, tháng 4 vừa qua AI Next Global đã phát triển giải pháp AI có tên trợ lý ảo AIVA do phát triển. Hiện có 3.000 doanh nghiệp sử dụng nhằm tối ưu chi phí và nguồn lực, cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu chính xác để nắm bắt xu hướng thị trường.
Sau 5 năm nghiên cứu, tiến sĩ Trần Công Đoàn và tiến sĩ Võ Xuân Trường vừa chia sẻ về dự án chuỗi khối GREAT Blockchain được thiết kế để giúp chuyển đổi số toàn diện nền kinh tế toàn cầu.
Theo tiến sĩ Võ Xuân Trường, nền kinh tế thế giới tưởng chừng như vô cùng phức tạp nhưng ở một góc độ nào đó, nền kinh tế thế giới lại là một hệ sinh thái các thị trường hoạt động với một cơ chế vô cùng đơn giản với các nguyên lý vô cùng đơn giản là các giao dịch.
Những giao dịch đơn giản này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần và được điều khiển bởi nhu cầu của con người và nó sẽ tạo ra ba yếu tố chính để vận hành nền kinh tế.
GREAT Blockchain sẽ giúp thúc đẩy các cơ hội việc làm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới một cách bền vững; thông qua việc ghi nhận sự minh bạch các giao dịch, giá trị giao dịch đồng thời tạo ra nhiều việc làm hơn thông qua chức năng Smart Contract (Hợp đồng thông minh) và Dapps (Ứng dụng phi tập trung).
Nhìn chung, với sự phát triển của AI sẽ hỗ trợ thúc đẩy các cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế để bắt nhịp với thời kỳ chuyển đổi số.
Mỗi cá nhân có thể tự tạo ra các việc làm mới và kêu gọi hợp tác làm việc, cũng như minh bạch của hợp đồng thông minh trong nền kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn.
Đây hứa hẹn là một xu thế mới của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai gần.