Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội DNT Việt Nam đã có mạng lưới tổ chức Hội tại 63/63 tỉnh, thành phố, 2 tập đoàn kinh tế (Hội DNT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Cao Su Việt Nam), 14 CLB trực thuộc, với gần 19.000 hội viên. Các doanh nghiệp của hội viên đang tạo việc làm cho trên 5 triệu lao động, tổng doanh thu hàng năm đạt gần 48 tỷ USD.
Xây dựng hình ảnh đẹp về doanh nhân
Tọa đàm có 2 phiên chính: "Tuổi 30 - Tự hào nhìn lại" và "Doanh nhân trẻ - Tiến về phía trước". Với chủ đề “Tuổi 30 – Tự hào nhìn lại” phiên Tọa đàm số 1 có sự tham gia của Chủ tịch Hội DNT Việt Nam các thời kỳ cùng nhìn và ôn lại những câu chuyện, những dấu ấn mà mỗi nhiệm kỳ các Chủ tịch cùng Ban lãnh đạo Hội đã xây dựng.
Kể về ngày đầu thành lập hội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa I, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết mục tiêu khi đó của ông chỉ là thay đổi quan điểm của xã hội về doanh nhân. Quan niệm xã hội ngày ấy gọi doanh nhân là "trọc phú", "con buôn", trong khi thực tế các doanh nhân phải làm việc không cả có ngày nghỉ.
Do đó, mong muốn của ông khẳng định được vị thế của doanh nhân trong xã hội. Họ là những người đang tạo ra các giá trị tài sản, là những người đang nộp thuế cho xã hội, đang giải quyết công tác xã hội. Ông hy vọng xây dựng được hình ảnh doanh nhân là những con người đang làm việc vất vả, là những người có trái tim tử tế. “Chúng ta phải trở thành người tốt đẹp nhất trong xã hội Việt Nam", ông Bình nói.
Chủ tịch hiện tại của Hội DNT Việt Nam - ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết “Tôi và đoàn chủ tịch cũng như Trung ương Hội dựa trên nền tảng truyền thống những việc mà các anh đã làm, chúng tôi cố gắng nhìn nhận lại, có bất cập thì thay đổi, có điểm hay thì phát triển quyết liệt, sáng tạo hơn.”
Ông Trương Gia Bình cũng chia sẻ thêm “Tôi tin đây là thời khắc Việt Nam tỏa sáng, bởi lẽ Việt Nam được chọn để trở thành công xưởng công nghệ mới của thế giới và vấn đề lớn nhất là doanh nhân phải cùng nhau gánh vác.”
25 năm trước, theo ông Trương Gia Bình, doanh nghiệp Việt Nam thiếu nhân lực, công nghệ và tiềm lực kinh tế. Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có khát vọng và ý chí. Tuy nhiên, 25 năm sau, Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, một nửa trong số đó là kỹ sư phần mềm.
Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động thay đổi
Phiên Tọa đàm thứ 2 với chủ đề: “Doanh nhân trẻ - tiến về phía trước” đặt kỳ vọng vào các thế hệ Doanh nhân trẻ hiện tại và tương lai. Không chỉ có các Doanh nhân trẻ trong nước, phiên Tọa đàm còn có sự tham gia đến từ các Diễn giả DNT ASEAN, Tổ chức DNT Châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản.
Thế hệ Doanh nhân trẻ ngày nay đối mặt với sự đổi với không ngừng của thế giới công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi trường xanh....
Các diễn giả đã đưa ra các keyword về tầm nhìn tương lai 10 năm tới đó là “đổi mới”, “bền vững”, “toàn cầu hóa”, “bất định”, “trung tâm châu Á” … Những keyword này không phải là mới, tuy nhiên lại có nhiều điểm khác biệt của những keyword này trong tương lai 10 năm tới so với trước đây.
Bà Phạm Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Chủ tịch Western Pacific chia sẻ cách đây 10 năm khi nói đến toàn cầu hóa, đó là 1 trong những lựa chọn của chúng ta, tuy nhiên, bây giờ với tôi, toàn cầu hóa sẽ là tiên quyết chứ không còn là 1 lựa chọn nữa.
Bà Phạm Bích Huệ nói về sự thay đổi, “Thế giới đang thay đổi rất nhanh, trong khi tất cả mọi người đều đang thay đổi, đều đang tăng tốc mà chúng ta không thay đổi có nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Về phía doanh nhân, tôi nghĩ đôi khi có những sự thay đổi nó đến ở phía chủ động và đôi khi nó đến ở phía bị động. Nếu như chúng ta nắm được rằng doanh nhân là người dấn thân và dẫn đầu, chúng ta sẽ chủ động thay đổi và khi chủ động thay đổi thì những tổn thất, những lựa chọn mất mát tôi nghĩ sẽ trong tầm kiểm soát, còn những thay đổi bị động sẽ khó tồn tại và phát triển. Trong đó thì đôi khi cũng có những cơ may.”
Bà Huệ chia sẻ lại câu chuyện của chính bản thân mình, trong suốt mười mấy năm đầu .khởi nghiệp, bà cảm thấy rất hài lòng với sự thay đổi tương đối một cách vừa chủ động vừa thụ động. Cho đến tháng 4/2019, có 1 sự cố xảy ra, trung tâm logistics của bà đã bị cháy, tổn thất vài trăm triệu USD. “Tự nhiên thời khắc đó, đầu tiên tôi cảm thấy có sự bị động trong chuyện thay đổi.” – Bà Huệ nói.
Trước đó, bà Huệ ưa thích hợp tác với đối tác trong nước có cùng văn hóa, cùng môi trường, cùng 1 ngôn ngữ. Tuy nhiên, thời khắc ngọn lửa cháy hết tất cả mọi thứ, cơ hội để hợp tác trong nước lúc đó tương đối khó khăn, vụ cháy chưa có kết luận rõ ràng, việc vay vốn để phục hồi lại rất khó và ngay thời điểm đó bà đã chuyển hướng qua Nhật. “Đây chính là sự thay đổi một cách thụ động bất ngờ, tuy nhiên, tôi không nghĩ nó là 1 yếu tố tiêu cực, đôi khi nó là 1 thông điệp đến với chúng ta.”
Nhìn chung, thông qua buổi tọa đàm, để hội nhập thành công, doanh nhân trẻ nói riêng và doanh nhân nói chung cần nâng cao năng lực học tập, trang bị kiến thức về hội nhập để tăng khả năng cạnh tranh, và chỉ có điều đó mới giúp doanh nhân trẻ “tiến về phía trước” trên con đường đưa kinh tế khu vực ngày một phát triển, thịnh vượng.