Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu cao nhất mà Vietnam Airlines ghi nhận kể từ năm 2020 đến nay.
Giá vốn hàng bán tăng hơn 6%, thấp hơn mức tăng của doanh thu do vậy lãi gộp tăng gấp 7,5 lần lên gần 1.240 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính vẫn là gánh nặng đối với hãng hàng không quốc gia. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính có xu hướng giảm và ở mức thấp, chỉ 176 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính quý III ghi nhận đến 1.894 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có đến 1.091 tỷ đồng là lỗ chênh lệch tỉ giá và 397 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Bên cạnh đó, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 61% và 8%, với tổng số trên 1.900 tỷ đồng.
Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ 2.203 tỷ đồng trong quý III và đây cũng là quý thứ 15 liên tiếp doanh nghiệp này có mức lợi nhuận âm (từ quý I/2020 đến nay). Như vậy trong gần 4 năm qua, hãng hàng không quốc gia chưa hề được hưởng niềm vui có lãi.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 68.089 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ sau thuế ở mức 3.534 tỷ đồng, giảm lỗ trên 4.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (lỗ 7.783 tỷ đồng), trong đó riêng công ty mẹ lỗ 3.743 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023, Vietnam Airlines có tổng tài sản 60.327 tỷ đồng, hầu như đi ngang so với thời điểm đầu năm, trong đó chiếm đến 59% là tài sản cố định. Phần lớn tài sản ngắn hạn nằm chủ yếu ở khoản phải thu và hàng tồn kho, ở mức tương ứng hơn 5.833 tỷ đồng (tăng 23%) và hơn 4.083 tỷ đồng (tăng 26%). Lượng tiền và các khoản tương đương tiền tăng thêm 20%, đạt 2.959 tỷ đồng.
Nợ phải trả cuối kỳ là 74.278 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là do khoản tăng của vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines ở cuối quý III đang âm đến 13.950 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế lên gần 37.932 tỷ đồng.
Vietnam Airlines vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 sau nhiều lần dời thời điểm tổ chức. Theo thông báo mới đây, Vietnam Airlines dời tổ chức từ 15/11 sang 22/11, ngày đăng ký cuối cùng giữ nguyên là 12/10.
Theo báo cáo vào tháng 9 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm nay.
Theo Vietnam Airlines, trong thời gian qua, do thị trường vận tải từng bước phục hồi và hãng đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ…đã giúp mức lỗ quý III/2023 giảm so với quý III/2022.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, HongKong, Đài Loan… và các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Hiện, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.