Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn trong ngắn hạn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm khiến nguồn thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và bảo hiểm cần thêm thời gian chờ đợi thị trường hồi phục. Dù vậy vẫn sẽ có những điểm sáng về triển vọng ngành trong nửa cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng hồi phục
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2023, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là 6,92% so với đầu năm, phản ánh tăng trưởng tín dụng chậm lại ở hầu hết các lĩnh vực. Nhìn chung nhu cầu tín dụng vẫn tương đối yếu trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thị trường BĐS chưa hồi phục.
Trong số các ngân hàng được KBSV theo dõi đa phần đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 6T2023 tương đối thấp, một vài ngân hàng cho vay lĩnh vực BĐS có mức tăng vượt trội hơn như TCB (+9.7%YTD), HDB (+9.3% YTD), VPB (+10.1% YTD), MBB (+10.6% YTD). Bên cạnh đó, nhóm phân tích cũng nhận thấy sự dịch chuyển cơ cấu tín dụng của các ngân hàng từ phân khúc KHCN sang KHDN khi KHCN đang gặp nhiều khó khăn trước tác động suy giảm của nền kinh tế.
Theo KBSV, tăng trưởng tín dụng khó hoàn thành mục tiêu 14% nhưng sẽ vẫn về đích ở mức 10-12% dựa trên kỳ vọng (1) tiêu dùng của phân khúc KHCN cuối năm hồi phục; (2) nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề tích cực hơn nhờ hoạt động XNK; (3) lĩnh vực BĐS dần được tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, dù sẽ cần thêm thời gian để thị trường khai thông trở lại.
“Tín dụng hồi phục tốt sẽ là động lực để thúc đẩy thu nhập lãi thuần trong giai đoạn cuối năm”, nhóm phân tích đánh giá.
NIM dự báo tạo đáy trong quý 3 và dần đi lên
Chi phí vốn (CoF) trong quý I/2023 tăng mạnh 0,94 điểm % so với quý trước phản ánh mặt bằng lãi suất cao từ cuối năm 2022, KBSV nhận thấy mức tăng này đã chậm lại trong quý 2 (+0,38 điểm %) sau những đợt giảm lãi suất của NHNN. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh giảm 1,0-1,6% lãi suất huy động, trong khi nhóm NHTMCP cũng có mức giảm từ 1,3-1,8%.
Nhóm phân tích kỳ vọng CoF của các ngân hàng sẽ bắt đầu có sự cải thiện đáng kể từ quý 3 do phần vốn huy động với chi phí cao chủ yếu có kỳ hạn từ 3-6 tháng; dự kiến mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì trong quý 4.
Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng đã giảm tương đối so với đầu năm sau chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp của Chính Phủ. KBSV cho rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn và có độ trễ so với lãi suất huy động do lãi suất cho vay thường tái định sau 3-6 tháng.
Trên cơ sở đó, kỳ vọng NIM sẽ tạo đáy trong quý 3 và bắt đầu hồi phục từ quý 4, nhưng chưa thể về mức nền cao của năm 2022. Tuy nhiên, nhóm phân tích lưu ý rủi ro đối với sự phục hồi của NIM có thể đến từ (1) Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn (SFL) giảm về mức 30% sẽ khiến một số ngân hàng phải điều chỉnh lại danh mục huy động, tăng tỷ trọng các khoản huy động dài hạn dẫn đến tăng CoF; (2) Sự cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng khi TT06 được áp dụng (cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác) sẽ tác động tiêu cực đến NIM toàn ngành.
“Dù vậy, mức độ ảnh hưởng khi xảy ra các rủi ro này có thể không lớn và không tác động lên toàn hệ thống mà chỉ xảy ra ở một vài ngân hàng”, KBSV cho hay.
Tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng sớm đạt đỉnh
Theo KBSV, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 27 ngân hàng trong hệ thống đã tăng từ 1,9% trong quý 1 lên 2,1% trong quý 2, mức tăng này đã chậm hơn so với quý 1. Điểm tích cực là tỷ lệ hình thành nợ xấu của các ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, nhưng có sự phân hoá. Các ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi thị trường BĐS và khó khăn từ phân khúc KHCN như TCB, VPB,…sẽ chịu áp lực nợ xấu lớn hơn nhóm ngân hàng có danh mục an toàn như VCB, ACB.
Ngoài ra, việc ban hành TT02 của NHNN cũng hỗ trợ các ngân hàng trong việc phân loại nhóm nợ cho khách hàng, hỗ trợ một phần giảm căng thẳng với NPL trong năm nay. Tuy nhiên nhóm phân tích đánh giá quy mô của đợt cơ cấu nợ này sẽ nhỏ hơn so với đợt cơ cấu do dịch Covid-19 khi TT02 chỉ cho phép cơ cấu các khoản nợ nhóm 1.
Dựa trên những phân tích trên, KBSV kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý 3 và được kiểm soát trong giai đoạn cuối năm khi triển vọng nền kinh tế tích cực hơn, tình hình tài chính của khách hàng cũng được cải thiện.