Đức Long Gia Lai kinh doanh ra sao trước thông tin ‘bị mở thủ tục phá sản’, kiểm toán từng nói gì về công ty?

Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Doanh nghiệp này bị hãng kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Đức Long Gia Lai kinh doanh ra sao trước thông tin ‘bị mở thủ tục phá sản’, kiểm toán từng nói gì về công ty? - Ảnh 1.

Theo đó, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đưa quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo đó, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 9/10/2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản. Hết thời gian trên, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tòa đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai vào cuối tháng 7 vừa qua, theo đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (Quảng Ngãi).

Ông Nguyễn Trường Cọt, Tổng Giám đốc DLG, cho rằng công ty gửi công văn giải trình về việc giải quyết công nợ với Công ty Cổ phần Lilama 45.3 và khả năng thanh toán công nợ của công ty. Đồng thời, cũng cung cấp cho tòa án báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó thể hiện rõ việc công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.

"Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỉ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác. Trong khi đó, khoản nợ của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty.

Khoản nợ này hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản", lãnh đạo Đức Long Gia Lai giải thích với Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vào hơn một tháng trước.

Trên thị trường chứng khoán, ngay khi mở phiên giao dịch hôm nay 13/10, mã DLG bị nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, lập tức bị rớt xuống giá sàn 2.420 đồng/cổ phiếu, biến động giảm hơn 11% trong một tháng nay.

Đức Long Gia Lai, trụ sở tại tỉnh Gia Lai, có tổng tài sản từng có lúc chạm mốc 9.000 tỷ đồng. Đây là công ty đa ngành với nguồn thu đến từ hoạt động bán gỗ, bán đá, bán nông sản, bán phân bón, thu phí BOT, bán linh kiện, môi giới bất động sản dịch vụ bến xe - xe buýt và cả năng lượng tái tạo.

Tình hình kinh doanh của Đức Long Gia Lai

Sau năm 2022 đầy thách thức, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có vẻ cải thiện hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty lãi ròng gần 29 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai giải trình ý kiến của kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023.

Cụ thể: Đối với ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC hợp nhất và riêng lẻ kiểm toán năm 2022 liên quan đến khoản phải thu về cho vay tại ngày 31/12/2022.

Kiểm toán đã ghi ý kiến ngoại trừ như sau: "Tại thuyết minh V.5 - Phải thu về cho vay. Tại ngày 31/12/2022, Công ty đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là hơn 422 tỷ đồng. Công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Thông tư 48/2019/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 08/08/2019.

Tuy nhiên, công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế. Với các tài liệu hiện có tại công ty, bên kiểm toán cũng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận việc trích lập dự phòng của công ty có đầy đủ theo khả năng thu hồi thực tế hay không.

Do đó, bên kiểm toán chưa thể xác định được ảnh hưởng của vấn đề nêu trên đến tình hình tài chính của Tập đoàn tại ngày 31/12/2022, cũng như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (riêng và hợp nhất) và báo cáo lưu chuyển tiền tệ (riêng và hợp nhất) (nếu có) cho năm tài chính kết thúc cũng ngày”.

Công ty cho biết công ty đã cho một số tổ chức và cá nhân vay theo đúng quy định tại điều lệ của Công ty và pháp luật, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán theo quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 08 năm 2019 của Bộ tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phâm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế dẫn đến kiểm toán ghi nhận ý kiến ngoại trừ trên BCTC năm 2022.