Shark Tank Việt Nam tập 10 ghi nhận sự xuất hiện của một founder người Ấn Độ cùng Giám đốc người Việt.
Có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hậu cần (logistics) ở các doanh nghiệp địa phương, Rajnish Sharma nhận thấy các doanh nghiệp thường có trung tâm phân phối ở phía Bắc và phía Nam, khiến chi phí phân phối cao hơn và mất thời gian hơn. Để hạn chế những tổn thất đó, mang lại sự minh bạch và linh hoạt, Rajnish đã cho ra đời nền tảng dịch vụ hậu cần Wareflex Việt Nam.
Wareflex không sở hữu bất kỳ nhà kho, cũng như bất kể đội xe tải nào. Thay vào đó, nền tảng này đứng ở vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà kho, vận tải phù hợp với từng yêu cầu.
"Nó giống khách sạn nhà kho, kiểu như khách hàng chỉ cần mang theo hàng tồn kho và chỉ cần cho chúng tôi yêu cầu về những dịch vụ họ đang cần", Founder người Ấn ví von.
Thành lập đã 2 năm, doanh thu chỉ 50.000 USD/năm, định giá công ty 6,25 triệu USD
Giới thiệu kỹ hơn về mô hình kinh doanh và bức tranh doanh thu, Rajnish cho biết dự án này được khởi động từ tháng 12/2021. Doanh thu ghi nhận là 50 ngàn USD.
"Thành lập năm 2021 nhưng đến nay chỉ có 50.000 USD doanh thu? Bạn muốn gọi vốn thế nào khi kết quả kinh doanh quá thấp như vậy?", Shark Louis chất vấn.
"Thời gian trước đây, chúng tôi tập trung xây dựng mạng lưới là chủ yếu. Đến bây giờ là thời điểm hoàn hảo để bùng nổ doanh thu, hợp đồng và đặc biệt là khách hàng", Rajnish đáp lời.
Thời gian đầu Wareflex tiến hành phát triển mạng lưới đối tác và hiện hợp tác với hơn 150 nhà cung cấp dịch vụ với tổng cộng gần 400 nhà kho, gần 4.000 xe tải. Để gia tăng lợi thế cho mô hình kinh doanh, Wareflex tiến hành xác minh và nghiên cứu trước về nguồn cung, sau đó phân loại theo 103 đặc tính để khách hàng dễ dàng tìm được dịch vụ phù hợp nhất.
Đến thời điểm gọi vốn Wareflex đã có được hợp đồng trị giá hơn 500 ngàn USD và dự kiến trong tháng 12/2023 sẽ chốt thêm hợp đồng logistics trị giá 3 triệu USD. Wareflex sẽ nhận được mức phí từ 5 – 10% tùy thuộc vào quy mô hợp đồng, loại nhà kho cũng như dịch vụ.
Nhà sáng lập của Wareflex cũng tiết lộ mục tiêu đến tháng 10/2024, Wareflex đạt ARR (doanh thu định kỳ hàng năm) 1 triệu USD/tháng. Với tốc độ "đốt" khoảng 40 ngàn USD mỗi tháng, startup ước tính đến tháng 8/2025 sẽ đạt điểm hòa vốn.
Shark Louis chê không hấp dẫn, Shark Hùng Anh và Tuệ Lâm cùng bắt tay đầu tư
Trước chất vấn của Shark Minh Beta về chi phí thu hút người dùng, phía Wareflex cho biết mỗi khách hàng tiềm năng tiêu tốn khoảng 5 USD.
"Với tỷ lệ chuyển đổi là 10%, nó sẽ là 800 USD trong năm đầu tiên và sau đó giảm dần", Rajnish cho biết.
Cho rằng startup không hấp dẫn, cùng với khẩu vị đầu tư vào các công ty lớn, có khả năng chiếm lĩnh thị trường, Shark Louis không đầu tư.
Về cơ cấu cổ đông của Wareflex, Rajnish Sharma hiện nắm giữ 60% cổ phần; Giám đốc sản phẩm Lê Thọ nắm và một đồng sáng lập khác, mỗi người nắm 3%, 10% dành cho ESOP.
Gần 25% cổ phần do 2 quỹ đầu tư mạo hiểm vòng pre-seed nắm giữ. Hai quỹ đầu tư mạo hiểm vòng trước đã rót vốn 785.000 USD cho startup này là Genesia Ventures và Antler - quỹ đầu tư mạo hiểm mà Shark Erik giữ vai trò Đối tác đồng hành (Partner).
Như một thông lệ trong Shark Tank Việt Nam mùa 6, các cá mập sẽ không ngồi ghế nóng trong phiên gọi vốn có startup của mình. Ví như trong tập Aplus Home gọi vốn, Shark Minh Beta cũng không ngồi ghế cá mập.
Shark Tank Việt Nam mùa 6 giới thiệu 7 vị cá mập ngồi ghế hội đồng đầu tư, không giới thiệu cá mập chính và cá mập khách mời như các mùa trước đó.
Quay trở lại màn gọi vốn của Wareflex, startup này được cả Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh tỏ ra hứng thú.
Trong khi Shark Tuệ Lâm ra deal 500 ngàn USD đổi lấy 11% cổ phần, Shark Hùng Anh ra một deal không liên quan mấy, 500 ngàn USD đổi lấy 15% cổ phần.
Do định giá doanh nghiệp không như kỳ vọng, Rajnish đàm phán mức đầu tư 500 ngàn USD đổi lấy 10% cổ phần và mong muốn có cả hai Shark đồng hành.
Sau khi cân nhắc, Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm đã đồng ý deal này.