Giải pháp bảo đảm nguồn cung vật liệu
Sáng 09/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Quốc hội một số vấn đề liên quan đến biến động giá nhiên liệu, vật liệu, tình trạng khan hiếm vật liệu và điều chỉnh hợp đồng xây dựng có ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam…

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phản ánh về những tồn tại, hạn chế trong việc biến động giá nhiên liệu, vật liệu trong thời gian qua đang gây khó khăn cho nhà đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ các giải pháp và thời gian xử lý vấn đề, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua khi xây dựng một số đoạn cao tốc đường bộ đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại nguyên vật liệu, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết phương án xử lý vấn đề như thế nào để bảo đảm các dự án đúng tiến độ, chất lượng.

Đại biểu Trịnh Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, trong Kỳ họp này, Chính phủ đã có Tờ trình đối với 5 dự án giao thông trọng điểm để mở rộng không gian đô thị cũng như tạo ra các hành lang liên kết vùng để phát triển. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết nếu được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì để nâng cao năng lực quản lý các dự án, bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các công trình giao thông?
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội các vấn đề liên quan đến VLXD, hợp đồng xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua, do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu và tình hình chiến sự ở Ukraine, vật giá tăng do xăng dầu tăng đột biến, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường.
Theo quy định hiện nay, thông báo giá của địa phương từ 1 - 3 tháng/1 lần thông báo, đã có 37 địa phương trong cả nước đáp ứng. Đối với các địa phương còn lại thông báo 3 tháng 1 lần, Bộ GTVT kiến nghị tập trung thực hiện đúng quy định thông báo giá 1 lần/tháng để cập nhật kịp thời hơn với tình hình biến động giá.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, những dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, nếu các địa phương thông báo kịp thời thì sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, có một thực tế, giá biến động nhanh mà cơ chế vận hành chậm thì ít nhiều có ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và các nhà thầu. Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu và cùng các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, làm sao nửa tháng thông báo giá 1 lần, việc này sẽ áp lực rất lớn cho Sở Tài chính, Sở Xây dựng địa phương, nhưng Bộ GTVT sẽ cố gắng cùng với các địa phương, các Bộ, ngành điều chỉnh làm sao cho tốt nhất.
Tổ chức nghiệm thu thường xuyên làm căn cứ điều chỉnh giá
Về phương án xử lý giá vật liệu cũng như giá của các gói thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương, các Bộ ngành, nắm được thời điểm diễn ra những chuyển biến về khối lượng công việc hoàn thành ở các công trường được thể hiện rõ trong sổ nhật ký công trường để có kế hoạch kiểm tra nghiệm thu làm căn cứ thực hiện điều chỉnh giá. Đặc biệt là tổ chức nghiệm thu thường xuyên để kịp thời tổng hợp khối lượng nhà thầu hoàn thành trong thời điểm nào để áp dụng điều chỉnh giá phù hợp, sát với thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, vấn đề này cũng có rất nhiều khó khăn vướng mắc nhưng nếu nhà thầu, các đơn vị liên quan làm khách quan, minh bạch thì giải quyết được tốt vấn đề phát sinh. Do đó, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cùng như các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát để rút ngắn thời gian thanh quyết toán và xác định các khối lượng để giúp cho nhà thầu không bị thiệt trong quá trình thi công nhưng cũng không để xảy ra lợi dụng chính sách.
Bên cạnh đó, đề bảo đảm các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình, Bộ GTVT đã rút kinh nghiệm bài học từ giai đoạn 1, hiện các dự án ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Bộ GTVT đã lập bộ hồ sơ đánh giá kỹ các mỏ vật liệu, cả ở những khu vực chưa quy hoạch mỏ vật liệu cũng yêu cầu tư vấn điều tra, khảo sát, bổ sung đưa vào quy hoạch của địa phương.
Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT sẽ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo các địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, những tỉnh có trữ lượng mỏ cát tốt nhất hỗ trợ cho các dự án khác ở Cần Thơ - Cà Mau là những khu vực không có cát sông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng nghiên cứu cát biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long làm vật liệu san lấp, theo đánh giá có khu vực này có trữ lượng lên đến 1 tỷ m3. Hiện các tiêu chuẩn về hạt, kích thước đảm bảo, tuy nhiên vẫn đang thực hiện các đánh giá về tác động môi trường.
Để bảo đảm các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình, các địa phương phải có sự đoàn kết, thống nhất, đặc biệt là các tỉnh An Giang và Đồng Tháp phải hỗ trợ các tỉnh khác về mỏ cát. Còn các tỉnh ở ven biển sẽ hỗ trợ các tỉnh An Giang và Đồng Tháp về cát biển để làm sao sử dụng cát biển nhiều, cát sông ít trong xây dựng hoàn thành các dự án lớn.
Về các gói thầu ký hợp đồng trọn gói giá cố định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc điều chỉnh giá ở gói thầu lớn tương đối thuận lợi. Với gói thầu nhỏ, Chính phủ đã nghe phản ánh từ các địa phương, Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với một số Bộ, ngành nghiên cứu tìm giải pháp theo hướng xây dựng Nghị định hoặc Nghị quyết để tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, hi vọng có sự phối hợp giữa các địa phương và các Bộ, ngành cùng tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế giải quyết, khắc phục những khó khăn bất khả kháng về vật liệu, hợp đồng xây dựng.