Hàng chục nghìn tỷ đồng tồn kho bất động sản "đóng băng" ở đất nền, căn hộ nghỉ dưỡng

Bộ Xây dựng cho biết, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng.

Hàng chục nghìn tỷ đồng tồn kho bất động sản "đóng băng" ở đất nền, căn hộ nghỉ dưỡng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo công bố của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.477 căn); đất nền (7.501 nền). Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Hàng chục nghìn tỷ đồng tồn kho bất động sản "đóng băng" ở đất nền, căn hộ nghỉ dưỡng - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng đánh giá, trong quý II năm 2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.

Báo cáo mới đây của VnDiect dẫn nhận định của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cho rằng, bất động sản đã qua đỉnh căng thẳng, rủi ro tín dụng và thanh khoản của ngành bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đỉnh điểm. Các cam kết của Chính phủ trong việc kiềm chế bong bóng tài chính ở lĩnh vực bất động sản là yếu tố tích cực tạo sự ổn định cho thị trường.

Sáu tháng đầu năm, tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,4% GDP. Tính đến 20/6, ngành kinh doanh bất động sản
tiếp tục giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký với 1,53 tỷ USD, giảm 51% so với cùng kỳ 2022. Vốn FDI giải ngân
vào lĩnh vực này trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 500 triệu USD, giảm 43%. Mặc dù FDI vào lĩnh vực này suy giảm trong
nửa đầu năm nay, "song thị trường bất động sản Việt Nam vẫn duy trì sức hút với các nhà đầu tư", Fitch Ratings đánh giá.

Trên thị trường nhà ở, tâm điểm chú ý nửa đầu năm hướng về nhà ở xã hội. TP.HCM hiện có 9 dự án đang triển khai với quy mô
6.383 căn hộ, giá sơ cấp dao động 1.200-1.400 USD mỗi m2 (28-33 triệu đồng mỗi m2). Hà Nội cũng đang có 40 dự án nhà ở xã hội
đang triển khai và sẽ mở bán trong năm nay, tập trung ở các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

Trong khi đó, giao dịch căn hộ cao cấp và nhà phố, biệt thự vẫn trầm lắng. Thị trường căn hộ tiếp tục chứng kiến hoạt động mua
bán - sáp nhập hoặc mua lại cổ phần dự án giữa các chủ đầu tư trong và ngoài nước.