IIA Việt Nam: Nhiều DN vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ESG trong kiểm toán nội bộ

ESG có thể giúp tăng giá trị doanh nghiệp bằng cách tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thu hút nhà đầu tư.

Phân viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) vừa công bố Báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng Kiểm toán nội bộ, kết quả của cuộc khảo sát hiện trạng việc thiết lập và hoạt động của chức năng Kiểm toán Nội bộ (KTNB) tại các đơn vị/tổ chức ở Việt Nam thuộc phạm vi của Nghị định 05.

Đối tượng tham gia khảo sát là doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ con, doanh nghiệp nhà nước là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Đây là nhóm các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của điều 10, Nghị định 05/2019 của Chính phủ.

Kết quả ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp đều có quy chế/quyết định thành lập hoặc tổ chức hoạt động KTNB. Đáng chú ý, dù được sự hỗ trợ cần thiết từ HĐQT/HĐTV, song hầu hết các bộ phận KTNB đều được đảm bảo độc lập cần thiết.

Phần lớn bộ phận KTNB của các doanh nghiệp sau Nghị định 05 theo IIA cũng đều đã xây dựng các quy định, quy trình và sổ tay KTNB theo mẫu được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền và thông lệ tốt. Một bộ phận tương đối lớn các doanh nghiệp có bộ phận KTNB được thành lập và đi vào hoạt động được từ 3 năm trở lên.

“Đa số các đối tượng tham gia khảo sát đã xây dựng và phát triển kế hoạch kiểm toán của họ dựa trên các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp và hồ sơ rủi ro doanh nghiệp. Hầu hết các đối tượng tham gia khảo sát chia sẻ rằng hiện tại họ đang áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán năm và xây dựng chương trình kiểm toán dựa trên rủi r o”, đại diện IIA Việt Nam cho biết thêm.

Một vấn đề đáng quan tâm khác, trong xu hướng kinh doanh bền vững lên ngôi, báo cáo nhấn mạnh các chỉ số và báo cáo ESG đang nhanh chóng trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp. Sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng và khách hàng cũng như những thay đổi về chính sách cộng đồng đồng nghĩa với việc các công ty phải đối mặt với áp lực mới để đo lường, công bố và cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG. Đây là một vấn đề mới nổi mà bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) cần phải từng bước nâng cao nhận thức về ESG đối với HĐQT, thông qua việc đề xuất tích hợp ESG vào chiến lược KTNB trong tương lai.

Khảo sát của IIA Việt Nam năm 2022, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện kiểm toán nội bộ cho chủ đề ESG ở mức độ khác nhau. Có một số doanh nghiệp đã tích hợp ESG vào kiểm toán nội bộ một cách toàn diện và hiệu quả, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ESG và chưa thực hiện kiểm toán nội bộ cho chủ đề này.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tích hợp ESG vào hoạt động kiểm toán nội bộ, thể hiện qua các hoạt động như đào tạo nhân viên kiểm toán nội bộ về ESG, tích hợp ESG vào kế hoạch kiểm toán nội bộ.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ESG và chưa thực hiện kiểm toán nội bộ cho chủ đề này. Một số hạn chế có thể kể đến, theo đại diện IIA bao gồm:

(i) Nhận thức: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ESG và chưa coi ESG là một yếu tố quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.

(ii) Nguồn lực: Một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ nguồn lực để thực hiện kiểm toán nội bộ cho chủ đề ESG, bao gồm nhân lực, tài chính và trang thiết bị.

(iii) Tiêu chuẩn: Hiện nay, chưa có các tiêu chuẩn kiểm toán nội bộ ESG được công nhận rộng rãi, khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng và triển khai kiểm toán nội bộ cho chủ đề này.

Trong khi hiện nay, những thay đổi nhanh chóng của thị trường có thể khiến các mô hình kinh doanh hiện tại trở nên lỗi thời và đòi hỏi phải có sự thích ứng linh hoạt để duy trì sự phù hợp. Nhiều doanh nghiệp đang phải chuẩn bị báo cáo về chỉ số ESG, đáp ứng yêu cầu từ cổ đông, nhà đầu tư, và quy định tài chính. Các quy định và chuẩn mực liên quan đến ESG cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng ESG để cải thiện danh tiếng và tạo giá trị dài hạn. ESG còn có thể giúp tăng giá trị doanh nghiệp bằng cách tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thu hút nhà đầu tư. ESG không chỉ liên quan đến khía cạnh môi trường (Environmental) mà còn bao gồm các khía cạnh xã hội (Social) và quản trị (Governance). Kiếm toán nội bộ cần xem xét cả các yếu tố tài chính và phi tài chính để đảm bảo tính toàn diện trong đánh giá và kiểm tra.