Ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cung cấp điện. Sự tăng giảm sản lượng huy động của điện năng lượng tái tạo-mặt trời sẽ góp phần phản ánh tiềm năng của ngành sản xuất pin mặt trời trong tương lai.
Các báo cáo mới nhất cho thấy thế giới đã đạt tiến bộ trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2022, sản lượng năng lượng tái tạo của toàn cầu tăng trung bình 11% mỗi năm.
Theo Vietdata, dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 80% năng lực sản xuất những loại điện năng mới, trong đó riêng năng lượng mặt trời đã chiếm hơn một nửa mức mở rộng năng lượng tái tạo nói trên.
Trong quy hoạch điện VIII, Việt Nam ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Nâng lên 67,5 - 71,5% vào năm 2050.
Cùng với sự phát triển của các dự án điện mặt trời, thị trường pin năng lượng mặt trời cũng phát triển sôi động khi dữ liệu từ Vietdata cho thấy 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường có mức doanh thu thuần lên đến khoảng hơn 78.000 tỷ đồng, tức khoảng hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp ngoại đang hoàn toàn thống trị thị trường pin năng lượng mặt trời khi chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp nội địa là Công ty CP năng lượng IREX nhưng đang thua xa về doanh thu và vẫn đang thua lỗ kéo dài.
Ba doanh nghiệp ngoại dẫn đầu về doanh thu
Theo dữ liệu do Vietdata công bố, 3 doanh nghiệp pin năng lượng mặt trời dẫn đầu thị trường về doanh thu thuần trong năm 2022 là Vina Solar, JA Solar và First Solar.
Xếp đầu tiên về doanh thu thuần trong năm 2022 là Vina Solar - Công ty TNHH Vina Solar Technology . Doanh nghiệp được thành lập vào đầu năm 2014, một công ty thành viên của Tập đoàn điện mặt trời Canada, là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Theo giới thiệu, Vina Solar chuyên sản xuất, lắp ráp, gia công pin năng lượng mặt trời với đội ngũ nhân công khoảng 8.000 người. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ và sản phẩm chính là tấm tế bào quang điện sử dụng cho tấm pin năng lượng mặt trời.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy, doanh thu thuần của Vina Solar ghi nhận mức tăng đáng kể qua các năm. Năm 2020 công ty đạt khoảng 7.000 tỷ đồng và tăng mạnh vào năm 2021 khi vượt mức 20.000 tỷ đồng. Năm 2022, Vina Solar ước có mức doanh thu thuần khoảng 34.000 tỷ đồng .
Xếp thứ hai là JA Solar - Công ty TNHH JA Solar Việt Nam được thành lập năm 2016, thuộc Tập đoàn JA Solar (JA Solar Group) là nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
JA Solar có nhà máy nằm ở khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với diện tích dự án khoảng 20 ha. Quy mô sản xuất tấm pin mặt trời công suất 1500 MW/năm.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy, JA Solar là công ty hiếm hoi trong ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời có cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng trong giai đoạn 2020-2022.
Về doanh thu thuần, JA Solar ước đạt mức khoảng hơn 28.000 tỷ đồng trong năm 2022 , tăng mạnh so với mức khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Đứng thứ ba là First Solar - một tập đoàn của Mỹ ra đời năm 1999, chuyên sản xuất về tấm mô đun năng lượng mặt trời hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, First Solar được đầu tư và đi vào hoạt động từ 2017 tại Khu Công nghiệp Đông Nam, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Theo giới thiệu, First Solar là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất mô đun năng lượng mặt trời theo công nghệ màng mỏng (thin-film), đó được xem là vũ khí quan trọng trong việc cạnh tranh với các đối thủ trong ngành sản xuất pin đa tinh thể silicon (poly) hay đơn tinh thể (mono) tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Về kết quả kinh doanh, theo Vietdata, doanh thu thuần của First Solar đạt khoảng 20.000 tỷ đồng vào năm 2020 và giảm gần 10% lần lượt trong 2 năm kế tiếp.
IREX - doanh nghiệp nội duy nhất
Doanh nghiệp nội địa duy nhất xuất hiện trong Báo cáo thị trường của Vietdata năm 2022 về ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời Việt Nam của Vietdata là Công ty CP năng lượng IREK.
Theo giới thiệu, doanh nghiệp thành lập năm 2012. Là một thành viên của tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa.
IREK có khu nhà máy có tổng công suất hoạt động của nhà máy pin năng lượng mặt trời của IREX là 800 MW/năm. Sản phẩm chính là các tấm pin mặt trời đơn tinh thế. Pin năng lượng mặt trời IREX đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là thị trường Mỹ.
Là doanh nghiệp nội địa duy nhất, dữ liệu của Vietdata cho thấy IREX đang khá yếu thế khi ghi nhận doanh thu thuần trong năm 2022 ở mức khoảng gần 350 tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể so với mức khoảng 400 tỷ đồng trong năm 2021 và mức ước khoảng gần 900 tỷ đồng của năm 2020.
Về lợi nhuận sau thuế của IREX, theo Vietdata, doanh nghiệp ghi nhận mức âm liên tiếp trong 3 năm gần nhất. Năm 2021 và 2022, IREX lỗ ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng -50 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng của ngành, Báo cáo thị trường của Vietdata năm 2022 về ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời Việt Nam của Vietdata đánh giá trong bối cảnh nguồn thủy điện đã khai thác tới 80% công suất và gần như không còn dư địa phát triển, nguồn nhiệt điện than phải tuân thủ theo những cam kết của Việt Nam trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thì năng lượng tái tạo như một giải pháp khắc phục nhanh tình trạng thiếu điện hiện nay, cũng như là nguồn cung cấp điện cốt lõi cho tương lai.
“Sự cạnh tranh trong ngành vô cùng khốc liệt khi chỉ có duy nhất một công ty Việt Nam (IREX), còn lại phần lớn đều là các công ty thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Mỹ”, báo cáo của Vietdata đánh giá.