Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố BCTC soát xét bán niên năm 2023. Trong đó, đơn vị kiểm toán là công ty TNHH KPMG đã có những lưu ý về doanh nghiệp này.
Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán, kết thúc nửa đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, tăng nhẹ so với báo cáo tự lập trước đó. Đến hết 30/6, nợ ngắn hạn của hãng cùng các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 42.800 tỷ đồng. Các khoản phải trả đã quá hạn của doanh nghiệp này trên 14.780 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 12.500 tỷ đồng.
Vì vậy, KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng, nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.
Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty và các công ty con.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 12 vừa qua, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết công ty đã hoàn thành được việc xây dựng đề án tái cơ cấu công ty và đang trình để các cấp lãnh đạo và Chính phủ thông qua. Theo đó, Vietnam Airlines đã mất nhiều thời gian để xây dựng đề án này và báo cáo lên các cấp lãnh đạo, bộ ban ngành và Thủ tướng.
Nội dung đầu tiên của đề án đó là việc phát huy được nội lực của Vietnam Airlines. Về giải pháp nội lực, hãng sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn diện bao gồm cả tài sản, nguồn vốn, việc thoái vốn các đơn vị thành viên, tổ chức lao động để tinh gọn bộ máy và tái cơ cấu về đất đai cũng như phương án sử dụng đất. Ngoài ra, hãng cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu việc quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số.
"Vietnam Airlines vẫn đang trình các cấp có thẩm quyền về đề án nêu trên và hy vọng có thể có được sự phê duyệt sớm nhất của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngồi chờ Chính phủ phê duyệt mới làm mà có công tác gì triển khai được chúng tôi sẽ triển khai ngay", ông Đặng Ngọc Hòa cho biết
Chủ tịch Vietnam Airlines lấy ví dụ rằng hãng hàng không trong thời gian qua đã tích cực cắt giảm, tối ưu hóa chi phí và tinh gọn bộ máy hoạt động. Việc tiết kiệm này cũng đã đạt được những kết quả tích cực, giảm vài nghìn tỷ chi phí so với 2022. Hãng hàng không này cũng đang tìm phương án để thoái vốn khỏi một số đơn vị thành viên ví dụ như thoái vốn khỏi liên doanh K6 tại Campuchia.
Vietnam Airlines cũng đã mở ra những đường bay mới và tận dụng cơ hội gia tăng thị phần khi một số hãng máy bay bắt đầu giảm số lượng tàu bay của mình. Bên cạnh đó, công ty vẫn định hướng sẽ phát triển mạnh các đường bay quốc tế bằng việc mở thêm một loạt các đường bay quốc tế mới, tăng tần suất các đường bay hiện có trong năm 2024.
Về công tác tái cơ cấu tài sản, doanh nghiệp này đang triển khai việc bán một số tàu bay cũ, cho thuê lại máy bay, động cơ để cải thiện dòng tiền. Việc này, theo ông Đặng Ngọc Hòa, sẽ được thực hiện linh hoạt để đảm bảo cho đội bay của Vietnam Airlines vận hành trơn tru kể từ năm 2024 về sau.
"Năm 2024 sẽ là một năm nhiều biến động. Tuy nhiên, chúng tôi rất tham vọng, đưa ra nhiều giải pháp để tiến tới việc cân đối thu chi trong năm tới đây. Những giải pháp trong đề án tái cơ cấu vừa nêu trên sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa được mục tiêu trên. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và kết hợp với sự hỗ trợ của Chính phủ để đạt được mục tiêu đầy tham vọng như trên", ông Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh.