Theo báo cáo thường niên 2021 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), tính đến nay, Kinh Bắc đang quản lý gần 5.216 ha đất phát triển khu công nghiệp (KCN), chiếm gần 4,22% tổng số diện tích đất KCN của cả nước và xấp xỉ 1.178 ha đất phát triển khu đô thị (KĐT), dân cư. Trong đó, 1.013 ha đất KCN thuộc 4 KCN đã được lấp đầy 100% và một KCN có diện tích 426 ha đã lấp đầy 96,78%.
Theo lãnh đạo Kinh Bắc, doanh nghiệp sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN và KĐT bao gồm: KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ; KCN Tràng Duệ mở rộng; Cụm công nghiệp Hưng Yên, Cụm công nghiệp Long An; Đại dự án Tràng Cát.
Cụ thể, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh – Bắc Ninh sẽ tiếp tục đền bù và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, hoàn thiện xây dựng nhà máy nước sạch, xử lý nước thải.
KCN Quang Châu – Bắc Giang dự kiến được lấp đầy 100% với diện tích 426 ha trong năm 2022, hoàn thiện thủ tục pháp lý song song với đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút khách hàng vào KCN Quang Châu mở rộng quy mô 90 ha.
Bên cạnh đó, Kinh Bắc sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa Khu đô thị Tràng Cát vào vận hành khai thác kinh doanh từ năm nay.
KCN và Khu đô thị Tràng Duệ sẽ tiếp tục mở bán các đợt mới, triển khai song song thủ tục pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN Tràng Duệ mở rộng quy mô 687 ha.
Kinh Bắc sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý Khu đô thị Phúc Ninh để bàn giao cho các nhà đầu tư đã đặt chỗ và thực hiện ghi nhận doanh thu trong năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ triển khai đầu tư và phát triển kinh doanh cụm công nghiệp Long An có quy mô 219,8 ha KCN và 43,52 ha khu nhà ở xã hội, cụm công nghiệp ở Hưng Yên có quy mô 225 ha KCN do các công ty con của Tập đoàn làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, Kinh Bắc đẩy mạnh hoàn thiện các thủ tục thành lập các dự án KCN và KĐT mới tại Hưng Yên, Long An, Tiền Giang, Hải Dương và Vũng Tàu… và liên tục khảo sát các địa bàn khác phù hợp với định hướng phát triển của KBC để gia tăng quỹ đất.
Theo Nhịp sống kinh tế