Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sữa có khả năng được cải thiện trong năm 2023 do giá bột sữa (USD/tấn) - nguyên liệu sản xuất sữa đã hạ nhiệt.
Giá bột sữa được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 do cầu nhập khẩu tại Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu đang yếu trong ngắn hạn, trong khi sản lượng bột sữa sẽ tăng trong năm 2023.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tác động trực tiếp lên tình hình sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp thì ngành sữa lại tăng trưởng khá nổi bật. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận sự phục hồi so với cùng kỳ. Dù mức tăng trưởng chưa nhiều nhưng đây là tiền đề để các doanh nghiệp ngành sữa tiến gần đến với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Rút ngắn khoảng cách với kế hoạch năm
Là anh cả ngành sữa, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.637 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của Vinamilk đều phát sinh nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó tăng mạnh nhất là chi phí lãi vay; tăng 59% lên 79,6 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, ông lớn ngành sữa báo lãi 2.533 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 44.750 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty ghi nhận khoản lãi tiền gửi tăng 29%, đạt 1.147 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinamilk đặt mục tiêu đạt 60.380 tỷ đồng doanh thu và 8.622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Cũng chung xu hướng trên, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với nhiều chỉ số ghi nhận tăng trưởng.
Quý III/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.646 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Dưới sự tiết giảm của giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty tăng 11% so với cùng kỳ, lên 678 tỷ đồng.
Sau khi từ các chi phí, Sữa Quốc tế báo lãi 325,8 tỷ đồng, tăng 32% so với quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành sữa này ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.977,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 896 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 7% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Sữa Quốc tế đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.141 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 776 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 91% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Xu hướng tăng trưởng cũng diễn ra tương tự tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk; UPCoM: HNM). Theo đó, doanh thu thuần của Hanoimilk ghi nhận đạt 183 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Dù giá vốn hàng bán tăng mạnh nhưng lợi nhuận gộp trong quý vẫn ghi nhận tăng 18%, đạt 35 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng đạt 16,8 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 3,1 tỷ đồng; phát sinh 28% và 29% so với quý III/2022.
Tính đến hết quý III, doanh nghiệp ngành sữa này báo lãi 13,5 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Hanoimilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 492 tỷ đồng, tăng 33%. Sau khi trừ các chi phí, Hanoimilk báo lãi 38,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Hanoimilk đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng
Với toàn cảnh thị trường bấp bênh, nhiều doanh nghiệp thậm chí trượt dài trong thua lỗ thì doanh nghiệp ngành sữa khá dư dả với lượng tiền mang đi gửi ngân hàng.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vinamilk đạt 54.967 tỷ đồng, tăng 13% so với số đầu năm.
Đáng chú ý, Vinamilk đang nắm giữ khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trị giá 19.011 tỷ đồng, là tiền gửi có kỳ hạn, tăng 9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận 700 tỷ đồng đầu tư dài hạn là tiền gửi có kỳ hạn, trong khi đầu năm không ghi nhận.
Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh từ 2.299,9 tỷ đồng lên 6.875 tỷ đồng, tức tăng gần 3 lần so với số đầu năm. Trong đó bao gồm 4.243 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, gấp 3,2 lần đầu kỳ và 2.631 tỷ đồng các khoản tương đương tiền chưa được thuyết minh cụ thể.
Tương tự, với Sữa Quốc tế, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của công ty là 4.803 tỷ đồng, tăng 26,8% so với đầu năm.
Đặc biệt, công ty ghi nhận lượng tiền và các khoản tương đương tiền tăng vọt từ 27,8 tỷ đồng tại đầu kỳ lên 291 tỷ đồng vào cuối kỳ, tương đương tăng hơn 10 lần. Tăng chủ yếu là do công ty trích lập thêm các khoản tương đương tiền trị giá 150 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Thêm vào đó, tại ngày 30/9/2023, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty ghi nhận đạt 2.059 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu kỳ. Đây toàn bộ là khoản tiền gửi có kỳ hạn của công ty.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc một doanh nghiệp sản xuất có quá nhiều tiền gửi ngân hàng là hiện tượng bất thường. Bởi doanh nghiệp thường dùng tiền đó như là một khoản vốn lưu động đưa vào sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng hóa rồi từ đó bán hàng cho khách hàng và có khoản phải thu từ khách hàng. Đó là sự dịch chuyển của dòng tiền.
“Nếu một doanh nghiệp không sử dụng tiền để hoàn tất chu kỳ kinh doanh mà gửi ngân hàng thì đây là hiện tượng bất thường, đây là điều không đáng khuyến khích”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu tại thời điểm này, khi kinh doanh gặp khó khăn, mức độ rủi ro của nền kinh tế đang tăng cao, tức là khi doanh nghiệp bán hàng ra và người mua hàng không thể trả lại tiền, nhiều doanh nghiệp đã chọn đem tiền gửi ngân hàng vì dù sao vẫn có lãi và an toàn nhất trong tất cả các cách sử dụng đồng tiền.