Là nguồn cung giá rẻ hấp dẫn hơn dầu Nga, bạn hàng mới Trung Quốc lại bị Mỹ ‘sờ gáy’, 90% sản lượng dầu bị đe dọa

Các tàu chở dầu của quốc gia này đến Trung Quốc đang bị ảnh hưởng lớn trước lệnh trừng phạt bổ sung từ Mỹ.

Là nguồn cung giá rẻ hấp dẫn hơn dầu Nga, bạn hàng mới Trung Quốc lại bị Mỹ ‘sờ gáy’, 90% sản lượng dầu bị đe dọa- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Reuters, hoạt động buôn bán dầu thô của Iran với Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tàu chở dầu. Cụ thể, việc mở rộng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các tàu chở dầu thô của Iran đã làm tắc nghẽn một bánh răng quan trọng của hoạt động thương mại, làm chậm quá trình cung cấp dầu từ nhà sản xuất OPEC này cho khách hàng có giá trị nhất của mình: Trung Quốc.

Dòng chảy dầu thô của Iran đến Trung Quốc thường có lộ trình như sau. Các tàu chở dầu bị trừng phạt/tàu do Iran sở hữu khởi hành từ các cảng dầu của quốc gia này, sau đó neo đậu tại một điểm giữa ở Đông Nam Á, thường là ngoài khơi Malaysia. Tại đây, việc chuyển giao từ tàu sang tàu (STS) diễn ra và một tàu chở dầu khác sẽ đưa dầu đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, các khoản phạt đã quét sạch một số tàu trước đây chở hàng đến Trung Quốc. Điều đó buộc một số nhà khai thác phải chuyển hướng khỏi chặng thương mại này, làm giảm số lượng tàu chở dầu có sẵn đi qua tuyến đường này.

Kết quả là dầu thô Iran đến Trung Quốc ngày càng ít hơn với giá cao hơn cho các nhà máy lọc dầu độc lập tại xứ tỷ dân, nơi chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của Iran. Điều đó thúc đẩy các nhà chế biến Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ châu Phi và các khu vực khác ở Trung Đông, thu mua dầu “ế” từ các chu kỳ giao dịch trước đó.

Nỗi lo sợ của các nhà khai thác tàu bị trừng phạt là tàu sẽ bị các cơ quan cảng từ chối, khiến họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là tìm một nơi mới cho hàng hóa và chịu thêm chi phí. Mỹ đã mở rộng lệnh trừng phạt lên 20 tàu chở dầu thô vào ngày 11 tháng 10 và thêm 12 tàu nữa vào danh sách trong những tuần tiếp theo.

Tất cả các tàu chở dầu bị trừng phạt vào ngày 11 tháng 10 (ngoại trừ một tàu) đều hoạt động ở vùng biển Đông Nam Á trong năm nay, với 8 tàu tập trung vào tuyến đường quá cảnh đến Trung Quốc. Một số tàu trong số đó hiện đang chuyển đổi vai trò của chúng trong hoạt động buôn bán dầu thô của Iran.

Theo dữ liệu từ Starboard Intelligence Maritime, một trong số đó là tàu chở dầu Shanaye Queen đã không đi qua phía tây bán đảo Malaysia kể từ tháng 8 năm 2023, thay vào đó là neo ở vùng biển phía đông đất nước, chờ lấy hàng dầu thô của Iran từ các tàu khác để vận chuyển đến Trung Quốc.

Vào tháng 10, Shanaye Queen đã được thêm vào danh sách trừng phạt của Mỹ và tháng tiếp theo, bắt đầu đi về phía tây và hiện đang ở vùng biển gần Iran. Tàu chở dầu cũng được đổi tên thành Marigold vào tháng 11 và hiện đang được gắn cờ của Guyana, thay vì Malaysia, theo cơ sở dữ liệu hàng hải Equasis.

Bằng cách thay đổi tên tàu và cờ hiệu, các nhà khai thác tàu đang đặt cược rằng chiến thuật này sẽ tránh được sự giám sát hoặc gây nghi ngờ khi kiểm tra tại cảng.

Theo Reuters