Lãi suất rẻ đang dần thẩm thấu

Lãi suất huy động giảm là một trong những điều kiện quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong thời gian vừa qua và cả giai đoạn sắp tới.

Lãi suất huy động giảm là một trong những điều kiện quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong thời gian vừa qua và cả giai đoạn sắp tới.

BIDV vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ hôm nay (18/9) và giảm 0,2-0,3%/năm ở hàng loạt kỳ hạn. Đối với hình thức tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên đã giảm 0,3% xuống còn 5,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng giảm 0,2% xuống 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng, 5 tháng giảm từ 3,8%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng giữ nguyên 3%/năm. Trước BIDV, Vietcombank và Agribank cũng đã giảm 0,2-0,3%/năm lãi suất huy động, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,5%/năm. Với việc điều chỉnh này, 3 “ông lớn” đã đưa lãi suất huy động 12 tháng xuống ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn covid-19.

Lãi suất rẻ đang dần thẩm thấu - Ảnh 1.

Các ngân hàng giảm lãi suất huy động tại một số kỳ hạn xuống ngang mức thấp lịch sử trong giai đoạn covid-19

Lãi suất huy động giảm là một trong những điều kiện quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong thời gian vừa qua và cả giai đoạn sắp tới. Ông Lý Hiệp ở Ấp 8, xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện tại đang vay vốn tại Vietinbank Hậu Giang với dư nợ 9 tỷ đồng với lãi suất rất ưu đãi chỉ 5,5%/năm kỳ hạn 6 tháng. So với thời điểm cuối năm 2022 lãi suất cho vay đã giảm 2,5-3%/năm. "Trong giai đoạn hiện nay, được vay vốn với lãi suất 5,5%/năm là may mắn đối với người nông dân như chúng tôi. Có được sự may mắn hỗ trợ từ phía ngân hàng tôi cố gắng làm sao sử dụng đồng vốn hiệu quả, phát triển", ông Lý Hiệp bày tỏ. Những hộ nhận được chính sách ưu đãi như gia đình ông Lý Hiệp đang khá phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho hay, ông đang vay vốn tại VietinBank với dư nợ hơn 9 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn chỉ 5,5%/năm. Trang trại hơn 40.000 m2 gồm 8 ao nuôi cá thát lát và cá sặc rằn của ông mỗi năm thu về 300 - 500 tấn. Trung bình mỗi ngày ông phải chi trả khoảng 110 - 120 triệu đồng tiền thức ăn. Dòng tiền từ ngân hàng rót đều đặn với lãi suất hợp lý 10 năm nay giúp ông giảm bớt gánh nặng tài chính để duy trì chuỗi sản xuất.

Lãi suất rẻ đang dần thẩm thấu - Ảnh 2.

Nhờ vốn vay ưu đãi của ngân hàng giúp các hộ nông dân, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính để duy trì chuỗi sản xuất

Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc CTCP Hoàng Minh Nhật, khách hàng của Vietcombank Cần Thơ 17 năm nay cho biết, việc tiếp cận vốn của Công ty từ khi thành lập đến nay không hề khó khăn. Doanh nghiệp quy mô doanh thu trên dưới 1.000 tỷ đồng này hiện có dư nợ vay 170 tỷ đồng, lãi suất ban đầu là 6,5%/năm, nhưng từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 3 lần thông báo giảm lãi vay, với mức giảm mỗi lần 0,5%/năm. Ngoài Vietcombank, ông Hoàng Minh Nhật cũng được nhiều ngân hàng khác mời gọi vay vốn với lãi suất hợp lý.

Ông Trần Phước Hưng, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phước Hưng ở tại Ấp Thới Thuận A, Thị Trấn Thới Lai, Huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ chia sẻ, doanh nghiệp đã được VietinBank và Agribank điều chỉnh giảm 3%/năm lãi suất kể từ đầu năm đến nay. Hiện tại riêng dư nợ tại VietinBank của doanh nghiệp này 45 tỷ đồng. Với việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Bởi chi phí tài chính chiếm khoảng 20-30% trong chi phí sản xuất kinh doanh.

Có thể nói mặc dù xu hướng giảm lãi suất diễn ra trên diện rộng tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp hơn so với kỳ vọng. Đến ngày 28/8/2023, tín dụng tăng 5,16% so với cuối năm 2022 trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,88%.

Lãi suất giảm, thanh khoản dư thừa, thậm chí ngân hàng cho biết ngân hàng đang tồn kho tiền. Vậy vì sao tín dụng vẫn tăng trưởng chậm.

Sở dĩ có tình trạng trên theo ông Nguyễn Minh Nhật, do doanh nghiệp thiếu phương án kinh doanh tốt khiến hai bên không gặp nhau. “Nhiều khi doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, mấu chốt là phương án kinh doanh không thuyết phục được ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, kinh doanh phải có lãi, phải quản trị được rủi ro, không để xảy ra nợ xấu, đảm bảo mạch máu vốn lưu thông… Vì vậy, việc vốn bị "tắc" không thể chỉ gỡ về phía ngân hàng, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải chung tay tháo gỡ”, ông Nhật nhận định.

Tuy vậy, với một số doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn khó khăn không phải ở phương án kinh doanh, mà do phía ngân hàng còn chưa linh hoạt. Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau), ở Cà Mau, tôm tự nhiên khai thác từ tháng 3 tới tháng 6, doanh nghiệp rất cần vốn để thu mua tôm của dân, song không được cấp hạn mức tín dụng kịp thời khiến dân bị thương lái ép giá, đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải mua tôm với giá cao vì trái vụ. Do đó, ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, tránh khi doanh nghiệp cần thì không vay được, khi ngân hàng muốn cho vay thì doanh nghiệp không cần nữa.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng phải linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm cho người dân, doanh nghiệp để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn.

Tuy nhiên để nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, theo Phó Thống đốc cần phải có giải pháp hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa. Cụ thể, những lĩnh vực cần có bàn tay của Nhà nước như giải quyết câu chuyện thị trường thông qua đối thoại, hợp tác xúc tiến đầu tư với các nước sẽ góp phần giúp khai thông được hàng hóa. Bên cạnh đó, giải pháp kích cầu thị trường trong nước với 100 triệu dân cũng cần được đẩy mạnh. Ngoài ra cần tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhất là doan nghiệp BĐS. Hiện này nhiều dự án BĐS, doanh nghiệp sẵn sàng vay, ngân hàng cũng sẵn vốn nhưng không thể giải ngân được vì thiếu pháp lý.

Ở góc độ ngân hàng, Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình đề xuất, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng cần có thêm các giải pháp kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, PCCC, môi trường..., đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm chia sẻ, rất mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp song ngược lại cũng mong các doanh nghiệp doanh nghiệp minh bạch để tạo niềm tin với ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả.