Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

Loạt ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh tiền gửi của người dân và doanh nghiệp có xu hướng sụt giảm.

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất

Theo VTV, thống kê sơ bộ tuần đầu của tháng 5 đã có một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Sacombank, GPBank, ACB… Lãi suất ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh tăng thêm từ 0,1 - 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

Tại Sacombank, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là 5,2%/năm nếu khách hàng gửi kỳ hạn dài 36 tháng. Ngân hàng NCB, sau điều chỉnh, lãi suất huy động cao nhất là 5,7%/năm với sản phẩm tiết kiệm An Phú khi khách hàng gửi từ 18 đến 60 tháng. Mức lãi suất tiền gửi trên 5%/năm các kỳ hạn dài cũng xuất hiện nhiều hơn so với vài tháng trước. 

Trong tháng 4, lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng lên khi một loạt ngân hàng khác gồm HDBank, TPBank, VPBank, Eximbank, MSB điều chỉnh biểu lãi suất ở một số kỳ hạn.

Dù vậy, vẫn có một vài ngân hàng giảm lãi suất đầu vào gần đây. Thống kê của Công ty chứng khoán MB (MBS), trong tháng 4, Vietcombank điều chỉnh giảm 0,1 điểm % lãi suất các kỳ hạn đưa lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng xuống chỉ còn 4,6%/năm. Hiện tại, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm % so với đầu năm.

Tài chính - Ngân hàng - Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

Thống kê sơ bộ tuần đầu của tháng 5 đã có một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Ảnh minh họa từ internet 

Ở chiều ngược lại, đã có thêm một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 4 với mức tăng dao động trong khoảng 0,2 - 0,3 điểm %.

Tương tự, báo cáo vĩ mô tiền tệ tháng 5/2024 của Wigroup cho thấy, trong tháng 4, lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó. Mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, cho thấy thanh khoản các ngân hàng vẫn ở mức dồi dào. Lãi suất huy động được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm nay. 

Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 - 0,7 điểm % trong nửa cuối năm nay. Dù vậy, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, theo chuyên gia của MBS.

Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí, giảm lãi suất cho vay.

Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm

Thông tin từ An Ninh Tiền Tệ, việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm.

Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến cuối tháng 1/2024, lượng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng đã giảm gần 35.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương hơn 0,5%; tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức cũng giảm 165.000 tỷ đồng so với đầu năm, tức hạ trên 2,4%.

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Nhận định về diễn biến lãi suất tiết kiệm hiện nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Ông Quang phân tích thêm, mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/ 2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc; từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý 1 và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý 2 hàng năm.

Đào Vũ (T/h)