CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HoSE: VNS) công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu 312 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn vẫn ở mức cao đã khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 26,6% còn 66 tỷ đồng, biên lợi nhuận giảm từ 25% xuống còn 21%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Vinasun tăng 30% lên 8 tỷ đồng nhờ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng. Chi phí tài chính tăng gấp gần 5 lần lên hơn 7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng có xu hướng tăng nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác trên 8 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế Vinasun cũng ghi nhận gần 33 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 4 liên tiếp Vinasun chứng kiến đà tăng trưởng đi xuống và là mức lãi thấp nhất trong 6 quý gần nhất.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Vinasun ghi nhận doanh thu 941 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và giảm nhẹ 3% so với thực hiện năm trước. Như vậy, công ty này đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Giải thích về nguyên nhân tăng trưởng âm, Vinasun cho biết do doanh thu suy giảm và việc công ty vẫn duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho đội ngũ lái xe và đối tác, làm tăng gánh nặng tài chính.
Đến thời điểm cuối tháng 9/2023, số lượng nhân sự của Vinasun là 1.934 người, giảm 79 người so với thời điểm cuối năm 2022. Như vậy, sau hãng taxi này lại tiếp tục cắt giảm nhân sự sau khi tuyển thêm người trong năm 2022.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Vinasun đạt 1.681 tỷ đồng, giảm hơn 155 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm hơn một nửa, tương đương 1.078 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 403 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 538 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ dài hạn chiếm 59% trong tổng nợ phải trả, chủ yếu là nợ vay tài chính với 198 tỷ đồng.
Cuối quý III, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vận tải này ở mức gần 1.143 tỷ đồng, giảm 17% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, có 108 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 268 tỷ đồng cho quỹ đầu tư và phát triển.
Vừa qua, bà Nguyễn Kim Phượng, cổ đông lớn của Vinasun đã bán ra 300.000 cổ phiếu VNS, qua đó giảm sở hữu xuống còn hơn 3,26 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 4,81% và không còn là cổ đông lớn công ty.