Lý do Mỹ, EU không áp đặt trừng phạt đối với công ty Kaspersky Lab của Nga

Mỹ đã hoãn các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với Kaspersky Lab.

Theo báo Tin Tức, hãng thông tấn Nga TASS ngày 31/3 đưa tin Mỹ và châu Âu lo ngại rằng các lệnh trừng phạt đối với công ty phần mềm Kaspersky Lab của Nga sẽ làm tăng thêm nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây. Đó là lý do tại sao Chính quyền Mỹ không đề cập đến các hạn chế đối với công ty này.

Nguồn tin trên trích dẫn báo cáo của tờ Wall Street Journal cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã hoãn các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với Kaspersky Lab, một "gã khổng lồ" về an ninh mạng của Nga.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã hối thúc Bộ Tài chính nước này sẵn sàng các biện pháp trừng phạt như một phần trong chiến dịch rộng rãi của phương Tây  nhằm trừng phạt Nga vì hành động quân sự ở Ukraine.

Trong khi các quan chức Bộ Tài chính đang làm việc để chuẩn bị gói trừng phạt này, các chuyên gia trừng phạt trong Bộ đã lo ngại về quy mô và phạm vi của một động thái như vậy. Phần mềm của công ty Nga trên được sử dụng bởi hàng trăm triệu khách hàng trên khắp thế giới, gây khó khăn cho việc thực thi các biện pháp trừng phạt.

Theo Kaspersky Lab, công ty này sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chính phủ Mỹ và trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ các cơ quan quản lý.

Kaspersky Lab cũng nhiều lần phủ nhận rằng họ hợp tác với Chính phủ Nga hay bất kỳ chính phủ nào để tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp mạng hoặc hoạt động mạng độc hại khác.

Theo Người Lao Động, Kaspersky có hơn 400 triệu khách hàng trên toàn thế giới nhưng chưa bao giờ trở thành một nhà cung cấp lớn cho chính phủ Mỹ.

Đào Vũ (T/h)