Vào ngày 3/11, Murphy Oil (nhà điều hành mỏ) đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho mỏ dầu Lạc Đà Vàng sau khi kế hoạch phát triển mỏ (FDP) được phê duyệt vào tháng 6/2023. Murphy Oil đặt mục tiêu khai thác dòng dầu đầu tiên từ mỏ Lạc Đà Vàng vào năm 2026, báo cáo phân tích từ VietCap ghi nhận.
PVS đang đấu thầu 2 giàn khoan, dự kiến xây dựng từ năm 2024
Trong đó, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đang đấu thầu 1 giàn xử lý trung tâm và 1 giàn đầu giếng ( tổng giá trị hợp đồng là 283 triệu USD ), dự kiến xây dựng từ năm 2024 - 2026.
Với động lực từ dự án này, VietCap kỳ vọng PVS sẽ được trao thầu các hợp đồng trên trong cuối năm 2023 hoặc quý 1/2024. VietCap dự báo các hợp đồng M&C cho mỏ Lạc Đà Vàng sẽ đóng góp 11 triệu USD tổng lợi nhuận cho PVS trong giai đoạn 2024-2028 (3% LNST sau lợi ích CĐTS của PVS trong giai đoạn 2024-2028).
Diễn biến này có nghĩa là PVS có thể sẽ bắt đầu xây dựng dự án sớm hơn dự báo, tương đương tiềm năng điều chỉnh tăng nhẹ đối với dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2025-2026 của VietCap.
Ngoài ra, PVS cũng đang đấu thầu hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu, dự kiến bắt đầu cho thuê từ năm 2026.
PVS là DN top đầu trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, đang sở hữu trên 51% vốn PVS). Công ty chủ yếu hoạt động ở 6 lĩnh vực gồn: Xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C), kho nổi FSO/FPSO, dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng, cung ứng tàu dầu khí, căn cứ Cảng dầu khí và khảo sát địa chấn.
Quý 3/2023, PVS đạt doanh thu thuần 4.175,5 tỷ - tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tăng mạnh khiến lãi sau thuế giảm 26%, xuống còn 143 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, PVS mang về 12.591 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế 606 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
PVD dự kiến tham gia từ năm 2026
Trở lại với mỏ dầu Lạc Đà Vàng, được biết Murphy Oil đang khảo sát thị trường về một giàn khoan tự nâng để khoan 8 giếng tại mỏ dầu Lạc Đà Vàng trong 800 ngày (2,2 năm). Trong đó, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) dự kiến sẽ tham gia đấu thầu dự án này.
Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. VietCap ước tính PVD có thể sẽ bắt đầu tiến hành khoan mỏ dầu từ năm 2026 với giá trị hợp đồng ước tính đạt 294 triệu USD (xấp xỉ doanh thu trong 1 năm của PVD) theo kế hoạch phát triển mỏ.
Theo quan điểm của VietCap, việc mỏ Lạc Đà Vàng nhận được FID là yếu tố tích cực cho hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) trong nước từ năm 2024 trở đi. Hiện tại, VietCap kỳ vọng E&P trong nước sẽ bước vào chu kỳ mới từ năm 2024 với những tiến triển của một số dự án bao gồm dự án Lô B, mỏ Lạc Đà Vàng và mỏ Đại Hùng – Pha 3. Sự phục hồi trên sẽ hỗ trợ PVS giành được nhiều hợp đồng cơ khí & xây dựng hơn và PVD có thêm nhiều hợp đồng khoan và các dịch vụ giếng khoan ở trong nước.
PVD là đơn vị hoạt động thượng nguồn, cụ thể là khai thác dầu khí và đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của PVN. Trong bối cảnh nhu cầu thuê giàn khoan “bùng nổ” trên toàn cầu nhờ giá dầu thô neo cao, giá thuê giàn khoan trung bình cả năm 2023 của PVD theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt có thể tăng 54% so với năm 2022, thúc đẩy lãi ròng của doanh nghiệp này ước tăng tới 465%.
Dựa theo xu hướng giá thuê giàn khoan tại thị trường Đông Nam Á, VDSC nâng dự báo giá thuê giàn tự nâng của PV Drilling trong năm 2023 từ mức 78.000 USD/ngày lên 81.600 USD/ngày. Qua đó, giá thuê giàn khoan bình quân cả năm nay của PVD sẽ đạt 92.700 USD/ngày, tăng tới 54% so với mức giá trung bình 60.000 USD/ngày của cả năm 2022.
Đồng thời, VDSC nhận định, trong năm 2024, giá thuê giàn khoan tiếp tục duy trì ở mức cao và số ngày hoạt động của các giàn khoan thuộc PV Drilling cũng sẽ tăng lên. Cả 6 giàn khoan của doanh nghiệp hiện nay (PV Drilling I, II, III, VI, PV Drilling 11 và TAD Drilling V) đều đã có việc làm đến hết năm 2023, và một số giàn khoan đã có hợp đồng dự kiến đến giữa năm 2024. Đáng chú ý, hiệu suất hoạt động các giàn khoan của PVD đã đạt trên 95% trong nửa đầu năm nay.