Môi giới bất động sản: "Bão" sa thải chưa có dấu hiệu dừng lại, có sàn cắt giảm tới 90% nhân sự

"Khi thị trường không có sản phẩm, thiếu hụt khách hàng, nhiều sàn bất động sản bắt buộc bị đặt vào thế khó. Tình trạng khó khăn đến từ hai chiều, giống như 1 chốt chặn đầu và 1 chốt chặn sau, khiến cho các sàn không có cơ hội “trở mình”, bị dồn vào thế “hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy”, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).

Nhân sự bị sa thải, lương giảm mạnh

Đứng trước bối cảnh đó, hơn 90% sàn giao dịch ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu quý 1/2023 sụt giảm tới 20% - 50% và 61% tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ.

Thậm chí một số sàn quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70% - 80%. Do thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt, sức mua chưa được cải thiện,...

Tình hình ngày càng khó khăn khiến trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số sàn giao dịch bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý 2/2022.

Một số công ty có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu.

Hoặc dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc,... Do không còn nguồn lực cầm cự.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm 10% - 20% nhân sự so với cuối năm 2022.

Trước bối cảnh trên, mức lương của các nhân sự đều bị cắt giảm. Có tới hơn 40% sàn bất động sản cho biết họ buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10% - 20%.

Hơn 44% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải thực hiện biện pháp cắt giảm quy mô nhân sự, để không phải cắt giảm lương.

VARs cho rằng, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3.2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Ghi nhận cá biệt một số ít doanh nghiệp chuyển mô hình kinh doanh sang mảng cho thuê mang lại mức doanh thu tốt, thậm chí tăng 200% so với quý 1/2022 và 150% so với cuối năm 2022.

Làn sóng càn quét trên quy mô rộng

Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước. Không có bất cứ trường hợp nào ngoại lệ.

Theo khảo sát của VARS, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022.

"Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại", VARS nhận định.

Thị trường ghi nhận 1 lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do Doanh nghiệp sa thải, Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, Doanh nghiệp phá sản...).

Số môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm...

Tuy nhiên, phần đông môi giới, lên tới hơn 95% người được khảo sát, có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% cho biết thu nhập của họ giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.

“Lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn là các nhân viên mới làm hoặc những người ‘tay ngang’, chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% môi giới còn hoạt động cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn. 100% trong số đó mong muốn thời gian này được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để nắm vững chuyên môn, đồng thời có thêm các kỹ năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.