Ngày 22/11, CafeF tổ chức Hội thảo Tầm nhìn Xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình

Ngày 22/11/2023, tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, các chuyên gia, đại diện các ngân hàng và các doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau nhưng có chung mối quan tâm tới vấn đề tăng trưởng xanh sẽ cùng trao đổi về câu chuyện Xanh hiện nay, những thách thức trước mắt và bài toán cần giải để phát triển bền vững, chung tay vì Việt Nam xanh và Net Zero vào năm 2050.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong phát biểu, Thủ tướng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Cam kết của Thủ tướng Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế.

Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề Xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc "giảm nâu – tăng xanh". Không ít doanh nghiệp đã có những bước đi tiên phong và ghi nhận kết quả ấn tượng.

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn về cơ cấu rác thải, Tập đoàn Hoà Phát đã đưa ra giải pháp sản xuất "thép xanh", nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon trong tương lai. Một điển hình khác là Công ty Nhựa Tái Chế Duy Tân cũng tiên phong ứng dụng công nghệ tái chế để góp phần vào bài toán đưa phát thải ròng bằng "0".

Trong lĩnh vực giao thông, Tập đoàn Vingroup đã chính thức đưa vào vận hành hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam – GSM. Chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả mà GSM thu được về giảm lượng carbon ra môi trường là minh chứng cho việc phát triển bền vững thông qua hệ thống giao thông xanh.

Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu dần chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đơn cử như T&T Group...

Với ngành tài chính, khi nhiều tổ chức vẫn còn e ngại trong việc cho vay năng lượng tái tạo, thì một số ngân hàng đã đi tiên phong tìm hiểu và là nhà tài trợ lớn cho các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, với sự tiên phong từ ACB, HSBC Việt Nam, SHB, BIDV, HDBank, MB… Đây chính là một động lực quan trọng giúp cho công suất và tỷ lệ phát điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam có bước nhảy vọt trong vài năm gần đây.

Trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, các doanh nghiệp cũng bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược phát triển bền vững, tối ưu chỉ số "xanh" trong các sản phẩm, dịch vụ. Đơn cử như Gamuda Land đã có chiến lược đặc biệt là biến những bãi rác, rốn nước thải thành những khu đô thị xanh bậc nhất.

Một số doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực tài chính hay tiêu dùng như Manulife, Masan… cũng mạnh mẽ tham gia góp phần thực hiện cam kết bằng giải pháp về quy trình sản xuất giảm thải cùng hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện giảm phát thải carbon và Xanh hóa cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại và thách thức; một số ngành nghề triển khai quá chậm và bắt đầu đã có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động.

Với mong muốn được góp phần nhỏ bé chung tay vào mục tiêu chung của đất nước thông qua sự kết nối tri thức giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và giới truyền thông để lan toả tinh thần Xanh và lắng nghe những câu chuyện, những "case study" điển hình về xanh, Kênh thông tin kinh tế tài chính CafeF (thuộc Công ty cổ phần VCCorp) tổ chức Hội thảo: "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình".

Hội thảo sẽ có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện các Hiệp hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp mạnh ở các lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung tiếng nói, cùng chung tầm nhìn Xanh.

Hội thảo ngoài các tham luận còn có 2 phiên Diễn đàn với chủ đề hấp dẫn, do TS. Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì phiên 1 và ông Phạm Hải Âu - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro của PwC Việt Nam chủ trì phiên 2.

Thông tin cụ thể:

-Hội thảo: “ Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”

- Thời gian: 8h00-11h30 thứ Tư ngày 22/11/2023

- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

-Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS. Trần Đình Thiên và ông Phạm Hải Âu (PwC)

Mọi thông tin liên quan đến Hội thảo xin vui lòng liên hệ email: [email protected]

Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do Trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, cùng sự đồng hành về chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, và sự hỗ trợ về tổ chức của các doanh nghiệp: ACB, Manulife, Masan Group, XanhSM, HSBC Việt Nam, SHB, Gamuda Land, T&T Group và Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling).