Nguồn vốn xanh giúp VPBank bổ sung thanh khoản và tạo đà tăng trưởng

Tín dụng xanh của VPBank tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua. Tính đến cuối năm nay, tổng số nguồn vốn xanh ngân hàng huy động được sẽ đạt mức gần 1 tỷ USD. Nguồn vốn xanh từ quốc tế giúp VPBank bổ sung thanh khoản và tạo đà tăng trưởng nhanh chóng cho danh mục tín dụng xanh.

"Xanh hoá" tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đã có nhiều ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh đối với các dự án năng lượng tái tạo, điện gió, nông nghiệp. Dưới đây là những chia sẻ của bà Tống Diệu Linh – Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch – Khối Thị trường Tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) về vấn đề này.

Xin bà cho biết, lĩnh vực đang nhận được nguồn vốn xanh nhiều nhất từ VPBank là gì? Cách thức VPBank quản trị rủi ro với tín dụng xanh có gì khác với tín dụng thông thường không?

Nhờ tiên phong xây dựng khung tài chính xanh phù hợp với khuôn khổ và tiêu chuẩn quốc tế, từ năm 2020, VPBank liên tục huy động thành công các khoản vay xanh từ các tổ chức quốc tế như IFC, DEG, DFC … Tính đến cuối năm 2023, tổng số nguồn vốn xanh ngân hàng huy động lên đến gần 1 tỷ USD. Nguồn vốn xanh này giúp VPBank bổ sung thanh khoản, tạo đà tăng trưởng nhanh chóng cho danh mục tín dụng xanh, đặc biệt tập trung ở nhóm khách hàng SME.

Lĩnh vực tài chính xanh chiếm tỷ trọng lớn bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững (xe điện) và kinh tế tuần hoàn hoặc tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên. Thời gian qua, VPBank cũng không ngừng đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình và ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng ở các lĩnh vực xanh tiềm năng khác như nông-lâm nghiệp bền vững, nhiên liệu sinh học, xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm và quản lý nước bền vững.

Đây là chiến lược phát triển bền vững nhằm giúp ngân hàng đón nhận các cơ hội từ quá trình chuyển đổi xanh, hỗ trợ toàn diện cho khách hàng theo các phân khúc và ngành nghề khác nhau, đồng thời là chiến lược giúp giảm thiểu các rủi ro chuyển đổi từ việc thay đổi chính sách, công nghệ và xu hướng tiêu dùng của thị trường.

VPBank cũng thực hiện tuyển dụng, đào tạo, tăng cường kiến thức cho đội ngũ chuyên gia về tài chính xanh để hỗ trợ quá trình đánh giá và thẩm định dự án, từ đó bổ sung các yêu cầu về quản trị rủi ro.

Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn cụ thể về dự án xanh và VPBank đang áp dụng quy chuẩn quốc tế như của IFC, thực tế này đặt ra những khó khăn gì cho ngân hàng khi xem xét cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp/dự án?

VPBank hiện đang áp dụng theo tiêu chuẩn xanh của IFC và World Bank. Đây là bộ tiêu chuẩn được công nhận quốc tế với sự hướng dẫn chi tiết cho đa dạng các lĩnh vực xanh, bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH), thích ứng BĐKH và khí hậu đặc biệt, đi kèm với các hướng dẫn cụ thể để nhận diện các tác động khí hậu trực tiếp, gián tiếp hoặc các dự án trong quá trình chuyển đổi xanh. Điều này giúp VPBank lựa chọn được các dự án xanh đủ điều kiện, được chấp nhận trên đa số các thị trường quốc tế, nâng cao năng lực của VPBank trong việc đánh giá và lựa chọn dự án của ngân hàng.

Tuy vậy, khi áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường Việt Nam, VPBank vẫn phải đối mặt với một số khó khăn như trong một số lĩnh vực xanh, các tiêu chí đặt ra bởi IFC có yêu cầu cao hơn so với tiêu chuẩn trong nước, ví dụ đối với Công trình xanh IFC chỉ chấp thuận các công trình có chứng chỉ quốc tế ở hạng cao như EDGE, LEED, chưa chấp thuận chứng chỉ trong nước như Golden Lotus.

Nguồn vốn xanh giúp VPBank bổ sung thanh khoản và tạo đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Bà Tống Diệu Linh – Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch – Khối Thị trường Tài chính - VPBank

Theo bà, quy chuẩn về dự án xanh của Việt Nam cần hoàn thiện thế nào để nhiều doanh nghiệp, dự án có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh trong nước, quốc tế?

Việc ban hành một Quy chuẩn nhất quán về dự án xanh là nhiệm vụ được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, giúp tạo lập hành lang pháp lý và kỹ thuật đầy đủ cho hình thành, vận hành và điều tiết thị trường tín dụng xanh theo hướng minh bạch, rõ ràng và hiệu quả. Đồng thời tạo động lực tăng trưởng huy động nguồn lực tài chính xanh từ quốc tế.

Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch và lộ trình cụ thể để xây dựng Quy chuẩn cho dự án xanh. Dự thảo này đã được Ban soạn thảo xin ý kiến các Bộ, Ban, Ngành và các định chế tài chính, trong đó có VPBank. Với kinh nghiệm đã triển khai tại ngân hàng theo tiêu chuẩn của IFC, VPBank mong muốn rằng bộ Quy chuẩn này của Việt Nam sẽ kế thừa được ưu điểm từ các bộ tiêu chuẩn quốc tế và có những sự điều chỉnh riêng phù hợp với thị trường trong nước. Cụ thể, cần đảm bảo các nguyên tắc như sau:

Danh mục phân loại xanh phù hợp với hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam để các ngân hàng dễ nhận diện, triển khai và thống kê dữ liệu.

Ngưỡng và chỉ tiêu tương ứng với tiêu chí sàng lọc cho dự án xanh cần đảm bảo đơn giản, khả thi để khuyến khích nhà đầu tư áp dụng được ngay.

Nhận diện được đầy đủ và đa dạng các lĩnh vực xanh có tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Hạn chế tối đa việc phát sinh thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một trong những mục tiêu ngành ngân hàng hướng tới là đạt tỷ trọng tín dụng xanh 10% trong tổng vốn tín dụng nền kinh tế vào năm 2025. Tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng xanh mới đạt 4,3-4,5% tổng vốn tín dụng trong nền kinh tế. Bên cạnh mong muốn sớm có quy chuẩn cụ thể về dự án xanh, theo bà, cần thêm giải pháp gì để dòng vốn tín dụng xanh chảy mạnh từ nơi có vốn đến nơi cần vốn?

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngoài việc hoàn thiện Quy chuẩn cụ thể về dự án xanh thì theo tôi, cần có các cơ chế mang tính đồng bộ. Bản chất ngân hàng là một kênh dẫn vốn cho thị trường nhưng về động lực chuyển đổi xanh cần xuất phát từ chính các doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về xanh hóa doanh nghiệp thì các giải pháp tài chính xanh từ ngân hàng mới đạt hiệu quả, qua đó đẩy mạnh tỷ trọng dư nợ về tín dụng xanh.

Thứ hai, về phía hỗ trợ cho các ngân hàng, Chính phủ cũng cần có cơ chế khuyến khích phát triển dự án xanh cụ thể và thiết thực, ví dụ ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh với hạn mức lớn hơn hoặc nằm ngoài định mức tăng trưởng tín dụng trần, có các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất hoặc bảo hiểm rủi ro riêng cho tín dụng xanh để hỗ trợ cho các ngân hàng.

Thứ ba, ngoài các chính sách về tín dụng thì chính sách hỗ trợ cho từng ngành hoặc lĩnh vực xanh cụ thể cũng cần được Chính phủ ban hành và triển khai một cách lâu dài và ổn định. Ngoài ra, các ngân hàng nên chú trọng đến việc đa dạng hóa và mở rộng danh mục đầu tư xanh để đảm bảo hỗ trợ tài chính công bằng cho tất cả các lĩnh vực xanh tiềm năng và có đóng góp tích cực cho các mục tiêu khí hậu.

Xin bà chia sẻ định hướng huy động vốn cũng như cung cấp tín dụng xanh tại VPBank trong thời gian tới?

Trong thời gian tới VPBank sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có của mình trong việc huy động khoản vay xanh/khoản vay bền vững từ quốc tế, củng cố nền tảng vốn hỗ trợ cho các lĩnh vực xanh và phát thải carbon thấp tại thị trường Việt Nam.

VPBank cũng sẽ mở rộng tiếp cận với các xu hướng tài chính bền vững mới như khoản vay tài chính liên kết bền vững, khoản vay tài chính xanh chuyển tiếp. Ngoài công cụ nợ truyền thống thông qua các khoản vay, VPBank cũng sẽ tiếp cận các công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu (TP xanh, TP bền vững, TP đại dương bền vững – Blue bond), các sản phẩm phái sinh bền vững (ESG derivative), thị trường tín chỉ carbon, bảo hiểm rủi ro khí hậu, v.v…

Xin cảm ơn bà.