Nhà đầu tư đất nền, đất rẫy Đắk Lắk vẫn mắc kẹt sau hơn một năm thị trường nóng sốt

Cách đây hơn một năm, nhà đất Đắk Lắk từng lên cơn sốt cục bộ. Rất nhiều nhà đầu tư đổ về đây tìm cơ hội mới. Hiện không ít người vẫn “mắc kẹt” tài sản tại đây.

Giới đầu tư nhỏ lẻ từ nhiều nơi từng rầm rộ đổ về xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) mua bán khiến giá đất nơi đây liên tục nhảy múa. Hiện tại, thị trường đìu hiu. Không ít nhà đầu tư vẫn không thể ra hàng, chôn tiền tỉ tại vùng đất Tây Nguyên này.

Trong đó, có một số nhà đầu tư ôm hàng ngàn m2 đất rẫy để lướt sóng hiện rao bán không ai mua, hạ giá sâu cũng khó ra hàng.

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, từ Buôn Ma Thuột, Cư M'gar, về Krông Pắc đến Krông Ana, Buôn Hồ, Cư Cuin... nhộn nhịp mua bán đất đai. Nhà đầu tư khắp nơi đã từng dồn về đây đón cơn sóng.

Sở dĩ giá đất tại Đắk Lắk nói chung và TP.Buôn Ma Thuột nói riêng tăng đột biến vì có thông tin quy hoạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên và dự án cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, đầu tháng 12/2021, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có chuyến khảo sát thực tế khu đất 9,6ha tại thôn 4, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, nơi dự kiến xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên.

Theo kế hoạch, bệnh viện này sẽ xây dựng theo mô hình bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế với quy mô 1.000 giường bệnh. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong vòng 2 năm tới.

Trong khi đó, dự án đường cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Cao tốc này có chiều dài 118km, điểm đầu nằm tại khu vực cảng Nam Vân Phong, TX.Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà và điểm cuối thuộc địa phận xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Thời điểm đó, mạng xã hội ngập tràn thông tin bán nhà ở Đắk Lắk, bán đất các ruộng, rẫy, với mức giá tăng không ngừng, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng (tùy khu vực đầu tư). Các văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện lỵ phụ cận đều quá tải giao dịch. Lượng hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất ở người dân tăng gấp 3 – 5 lần trước đây. Nhiều người nông dân trở thành môi giới, nhà đầu tư tay ngang liên tục vào “lướt sóng” hưởng chênh lệch.

Đỉnh điểm vào cuối năm 2021, những rẫy cafe nằm khuất sâu bên trong đường nhỏ tại Đắk Lắk đều được rao bán. Nhà đầu tư đổ về mua lại từ vài héc-ta đến hàng chục héc-ta. Mức giá thời điểm đó liên tục biến động từ 200-300 triệu đồng/héc-ta lên 600-700 triệu/héc-ta. Hiện ghi nhận giá đất đã lao dốc giảm từ 20-40% so với cuối năm 2021. Một số khu vực như Hòa An, Hòa Đông (Krông Pắc) hiện không có hoạt động đầu tư mua bán, môi giới rút khỏi thị trường, tài sản của nhà đầu tư vẫn “mắc kẹt” lại khá nhiều.

Các sào đất nông nghiệp tại buôn Sút M'rư của xã Cư Suê có giá khoảng 2 tỉ đồng/sào, hiện giảm giá còn khoảng 1,3-1,5 tỉ đồng. Theo các môi giới, những mảnh đất qua tay nhiều nhà đầu tư trước đó, hiện vẫn để trống, không có người mua để làm.

Nhà đầu tư đất nền, đất rẫy Đắk Lắk vẫn mắc kẹt sau hơn một năm thị trường nóng sốt - Ảnh 1.

Hiện nhiều mảnh đất tại đây rao bán nhưng không có người hỏi mua.

Sau thời điểm nóng sốt, chính quyền địa phương tại Đắk Lắk đã siết chặt lại vấn đề mở đường trên đất nông nghiệp. Cùng với đó, hầu hết các mảnh đất giao dịch trước đó đều do đầu tư, không có nhu cầu ở thực. Đây là nguyên nhân khiến giá đất nơi đây lao dốc. Hiện những tấm biển bán đất được cắm từ đầu làng đến cuối xóm, có những lô đất cắm cả năm nay nhưng không ai ngó ngàng.

Theo môi giới khu vực, thời kỳ đầu sốt đất, việc giao dịch rất dễ dàng. Người dân địa phương và nhà đầu tư các khu vực hỏi mua đất rất nhiều. Thế nhưng, người mua để dành rất ít, đa số mua để lướt sóng. Hiện trên các buôn của tỉnh này chỉ một số ít người có nhu cầu thực tế mua đất để làm nhà. Những người ôm đất nhiều khổ sở vì không ra được hàng.

Trước đây khu vực nóng nhất là Buôn Sút M'grư và buôn Sút M'đưng. Mỗi ngày có hàng trăm người tập trung về 2 địa điểm này để giao dịch đất đai. Hiện không có bóng dáng của hoạt động đầu tư, mua bán. Thậm chí, có nhiều mảnh đất ở xã đầy đủ giấy tờ pháp lý và đã mua bán với nhau đúng theo luật định nhưng chưa thấy người dân đến dựng nhà để sinh sống.

Có thể thấy, cơn sốt đất ảo tại Đắk Lắk qua đi, để lại hậu quá khá lớn cho địa phương này. Nhiều người dân bán đất canh tác cho nhà đầu tư hiện không có đất làm ăn. Nhà đầu tư không ra được hàng, kẹt tiền nhưng rao bán mãi không được. Một vùng đất từ chỗ sôi động mua bán hiện rơi vào cảnh đìu hiu, đất đai để trống khá nhiều. Đây cũng là hệ luỵ dễ thấy ở các địa phương từng có cơn sốt đất đi qua, đa phần do đồn thổi thông tin quy hoạch, hạ tầng, rất ít nhu cầu ở thực.