Nhân viên Apple phản đối quay trở lại văn phòng làm việc

Yêu cầu làm việc một số ngày nhất định trong tuần của Apple đang vấp phải sự phản đối và chỉ trích từ nhiều nhân viên do bị coi là thiếu linh hoạt và kém hiệu quả.

Một nhóm nhân viên mang tên “Apple Together” đã công bố bức thư ngỏ gửi lãnh đạo Apple, trong đó phê phán chương trình thử nghiệm làm việc hỗn hợp của tập đoàn và cho rằng chương trình này thiếu linh hoạt. 

Theo “Apple Together”, yêu cầu nhân viên lên văn phòng 3 ngày mỗi tuần của Apple “gần như không linh hoạt chút nào” và tương lai của công việc sẽ hướng tới việc kết nối con người khi cần đến, cho dù nhân viên làm việc tại đâu đi chăng nữa. 

Nhóm nhân viên này cho rằng việc gặp mặt và làm việc cùng nhau có nhiều lợi ích riêng, nhưng không phải là điều mà họ cần đến hàng tuần và hàng ngày. “Apple Together” cho rằng thử nghiệm làm việc hỗn hợp do lãnh đạo Apple đề ra là “một trong những cách kém hiệu quả nhất nhằm đưa mọi người trở lại cùng nhau”. 

Một nhóm khác mang tên Apple Workers, bao gồm cả nhân viên từng và đang làm việc cho Apple, cho rằng Apple mang “văn hóa bí mật góp phần tạo ra một pháo đài mơ hồ và đáng sợ”. Nhóm này cho rằng những nhân viên yêu cầu minh bạch và sửa đổi vấn đề xấu tại Apple thường bị cô lập và hạ thấp. 

Vào tháng 3/2022, CEO Apple Tim Cook đã gửi một văn bản đến toàn bộ nhân viên yêu cầu họ lên văn phòng ít nhất một ngày mỗi tuần kể từ ngày 11/4. Văn bản này cũng lên kế hoạch yêu cầu lên văn phòng 2 ngày mỗi tuần từ ngày 2/5 và 3 ngày mỗi tuần - thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm - kể từ ngày 23/5. 

Apple không phải là tập đoàn duy nhất mong muốn sử dụng hệ thống làm việc hỗn hợp và yêu cầu nhân viên lên văn phòng một số ngày nhất định trong tuần. Citigroup, BNY Mellon, Google và Twitter là một vài tập đoàn đang sử dụng cách làm này. Riêng Twitter đã nói với nhân viên rằng họ có thể tiếp tục làm từ xa ngay cả khi văn phòng đã mở cửa lại. 

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Gartner với 300 tổ chức, khoảng 18% trong số đó không có lựa chọn làm việc linh hoạt nào cho nhân viên. Các tổ chức và doanh nghiệp được khảo sát bao gồm nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, viễn thông, y dược cho đến bất động sản và vận tải. Khoảng 3/5 số tổ chức được khảo sát thì nói rằng họ đã dùng hệ thống yêu cầu lên văn phòng theo ngày cố định. 

Tuy nhiên, ngay cả những giải pháp như vậy cũng có thể khiến một số nhân viên muốn rời đi, theo nhà phân tích Jack Gold từ công ty nghiên cứu J. Gold Associates. Đối lập với việc nhiều doanh nghiệp muốn văn phòng trở lại trạng thái “bình thường” trước đại dịch, một tỉ lệ đáng kể nhân viên tại Mỹ sẽ sẵn sàng bỏ việc nếu bị ép quay trở lại văn phòng toàn thời gian, theo một khảo sát của Harvard Business Review. 

Tùng Phong (Theo Computerworld)