Nhìn nhận xứng đáng về vai trò của nghiên cứu khoa học cơ bản

(Chinhphu.vn) - Theo các nhà khoa học, dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao, song các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản vẫn ít được xã hội biết tới.

Thực tế cho thấy, những thiết bị hiện đại mà chúng ta sử dụng hằng ngày như tivi, máy tính, điện thoại di động… có được là nhờ những phát minh quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản. Đó là kết quả của một khối lượng công việc khổng lồ của các nhà khoa học, các kỹ sư trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, công việc âm thầm này ít được xã hội biết đến nên thường không được nhìn nhận một cách xứng đáng.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu – giải thường thường niên của Bộ KH&CN dành riêng cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này đã được khẳng định.  Giải thưởng được trao cho tác giả của các công trình khoa học xuất sắc được thực hiện tại Việt Nam và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Mới đây nhất, ngày 9/5/2022, Bộ trưởng KH&CN đã ký Quyết định trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 cho 2 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề nghị, gồm: GS. TSKH. Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM).

G.S Ngô Việt Trung được trao giải với công trình "Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals" (Các hàm độ sâu của lũy thừa hình thức của idean thuần nhất), xuất bản trên Tạp chí Inventiones Mathematicae năm 2019, thuộc ngành Toán học.

GS.Trung là một trong những nhà nghiên cứu toán học kỳ cựu của Việt Nam. Hướng nghiên cứu chính của ông trong suốt hơn 40 năm qua là đại số giao hoán và ứng dụng trong hình học đại số.

Chia sẻ về công trình này, GS. Ngô Việt Trung cho hay, công trình đã giải quyết được một số giả thuyết khó trong chuyên ngành đại số giao hoán của toán học, được đăng tải trên Tạp chí Inventiones Mathematicae - một trong những tạp chí hàng đầu của toán học thế giới, xếp thứ 3 trên tổng số 440 tạp chí thuộc Danh mục Toán học chung của Scimago. Đây cũng là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí này.

Công trình đã nghiên cứu một bất biến rất cơ bản của idean là độ sâu. Công trình đưa ra nhiều ý tưởng và phương pháp nghiên cứu mới sử dụng công cụ từ các chuyên ngành khác như: Hình học đại số, Tô pô đại số, Quy hoạch nguyên. Các kết quả đạt được dẫn đến nhiều vấn đề nghiên cứu mới mà việc giải quyết chúng sẽ giúp hiểu rõ hơn khái niệm "Luỹ thừa hình thức".

GS. Ngô Việt Trung cho biết, đây là công trình ông làm chung với TS. Nguyễn Đăng Hợp. Tuy nhiên, theo quy chế của Bộ KH&CN, Giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ được trao cho một cá nhân. Vì vậy, Viện Toán học đã đề cử GS. Trung.

Cần nhiều chính sách quan tâm hơn nữa với khoa học cơ bản

Theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung, hiện nay, một số ngành trong lĩnh vực khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt trình độ quốc tế như: Toán, Vật lí, Khoa học vật liệu, Hoá học...

Hơn nữa, trong thời gian gần đây, mọi người nói nhiều về cách mạng 4.0 nhưng ít ai biết rằng nền tảng của cuộc cách mạng này là những thuật toán trong trí tuệ nhân tạo và xử lý số liệu lớn. Có thể nói toán học đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tất cả các sản phẩm công nghệ số hiện nay.

Tuy nhiên, có một thực tế là mấy năm gần đây, Viện Toán học không tuyển được người giỏi, thậm chí không ít nhân sự được đào tạo tại đây cũng rời đi… Vì vậy, GS. Trung mong rằng Nhà nước có thêm những chính sách quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như có cơ chế đãi ngộ thích hợp để những người say mê làm khoa học yên tâm làm việc, nghiên cứu một cách hiệu quả nhất.

Là một trong những khoa học nữ được vinh danh tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu, PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu được biết tới là nhà khoa học nữ xuất sắc có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và tạp chí trong nước có uy tín.

Công trình nghiên cứu giúp chị giành được Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần này là "Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature" (Thiết kế giao diện vùng cứng – vùng mềm với những liên kết động lực Diels–Alder: Hướng đến các cơ tính và tự lành chất lượng cao ở nhiệt độ trung bình), được đăng trên Tạp chí Chemistry of Materials Chemistry of Materials.

Đề tài nghiên cứu này còn khá mới trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng rất có tiềm năng ở Việt Nam. Công trình được thực hiện hoàn toàn trong nước, với toàn bộ tác giả đều là người Việt Nam.

Nghiên cứu nói trên có thể ứng dụng trong việc tạo ra các vật liệu cao cấp như vật liệu trong các thiết bị y tế và cấy ghép y khoa. Bên cạnh đó, loại vật liệu mới này còn có thể được dùng làm màng phủ thông minh tự làm lành vết trầy xước cho xe hơi hay điện thoại để vừa đem lại giá trị về độ bền và thẩm mỹ, vừa có khả năng làm sơn chống ăn mòn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã ghi nhận kết quả nghiên cứu và động viên tinh thần rất lớn đối với các nhà khoa học nói chung. Đặc biệt với điều kiện nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học trẻ, trong đó có các nhà khoa học nữ, sẽ được khích lệ để theo đuổi đam mê trong nghiên cứu khoa học.

Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) cho biết Giải thưởng Tạ Quang Bửu được tổ chức nhằm động viên, khích lệ các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu cơ bản xuất sắc, góp phần thúc đẩy nghiên cứu KH&CN tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển.

Từ năm 2013 đến hết năm 2020, đã có 16 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong tổng số hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự. Tuy nhiên năm 2021, đã không có nhà khoa học nào được nhận Giải thưởng này.

Năm 2022, NAFOSTED đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022. Các hội đồng khoa học đã lựa chọn 5 hồ sơ, bao gồm 3 hồ sơ cho giải thưởng chính và 2 hồ sơ cho giải thưởng trẻ, để tiếp tục đánh giá, xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng.

Ngày 23/4, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 đã họp, đánh giá và đề xuất trao giải cho 2 nhà khoa học ở hạng mục giải thưởng chính, không đề xuất giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ.

Lễ trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 tại Hà Nội.

Hoàng Giang