Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với nhiều điểm sáng nhờ đường bay quốc tế phục hồi.
Theo đó, doanh thu thuần của SGN tăng 36% so với cùng kỳ lên 394,6 tỷ đồng. Nhờ đà tăng của giá vốn chậm hơn đà tăng của doanh thu nên biên lãi gộp cải thiện từ 23,2% cùng kỳ lên 32,6%, lãi gộp theo đó tăng gấp đôi lên 128,6 tỷ đồng.
Khấu trừ đi các chi phí, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn báo lãi sau thuế tăng gấp 2,4 lần lên 72,3 tỷ đồng.
Phía doanh nghiệp cho biết, đà tăng này do sản lượng phục vụ đường bay quốc tế trong quý III phục hồi mạnh, công ty cũng ký thêm khách hàng mới và tăng phí dịch vụ cho một số khách hàng hiện tại. Ngoài ra, công ty con SAGS-CXR ghi nhận lãi tốt so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.099 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về hơn 214,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch đem về 1.280 tỷ đồng doanh thu và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, SGN đã thực hiện được lần lượt 96% kế hoạch doanh thu và vượt 4,6% lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Khoản nợ xấu từ hãng hàng không đã dừng bay 10 năm
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của SGN tăng 22% so với hồi đầu năm lên 1.311,7 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn 640 tỷ đồng - chiếm 48% tổng tài sản và tăng 26% so với cùng kỳ.
Khoản phải thu khách hàng của doanh nghiệp tăng 36% lên 432,8 tỷ đồng, phần lớn là Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet hơn 198,6 tỷ đồng, Bamboo Airways 108,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong có đó 5,5 tỷ đồng phải thu từ Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong).
Thông tin cụ thể về khoản nợ, SGN cho biết trước đây khi còn là chi nhánh của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) có cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất cho Air Mekong. Tuy nhiên từ năm 2013, Air Mekong ngưng hoạt động và còn nợ SGN khoản tiền hơn 5,5 tỷ đồng.
Trước đó hồi 14/8/2023, SGN thông báo đã nhận được quyết định thi hành án theo yêu cầu của Chi Cục thi hành án dân sự Tp.Phú Quốc đối với Air Mekong. Air Mekong có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này. Tuy nhiên từ đó đến nay SGN không đưa ra thêm thông báo nào về khoản nợ này.
Biến động cổ đông lớn
Phục vụ Mặt đất Sài Gòn được chú ý nhiều hơn khi CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã mua vào gần 2,6 triệu cổ phiếu SGN, qua đó nâng tỉ lệ sở hữu từ 0% lên 7,6% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp từ ngày 1/6/2023.
Đáng chú ý, chỉ sau hơn 1 tháng, ngày 7/7 Him Lam Land đã bán ra 980.000 cổ phiếu SGN, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu từ 7,6% xuống còn 4,7% vốn điều lệ, tương đương nắm giữ 1,58 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, Him Lam không còn là cổ đông lớn của SGN.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 30/9/2023 công ty có 4 cổ đông đông lớn. Trong đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV) là cổ đông lớn nhất với tỉ lệ sở hữu 48,03% vốn điều lệ, tương ứng hơn 16,1 triệu cổ phiếu SGN.
CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) sở hữu 9,11% vốn điều lệ, tương ứng hơn 3 triệu cổ phiếu SGN.
Theo sau là CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) sở hữu 10,04% vốn điều lệ. Tuy nhiên ngày 13/10 vừa qua, SSI đã bán ra toàn bộ 3,41 triệu cổ phiếu SGN nắm giữ, qua đó hạ tỉ lệ sở hữu từ 10,18%% xuống 0% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn.
Ở chiều ngược lại, quỹ ngoại America LLC (trụ sở chính Bahamas) đã trở thành cổ đông lớn khi trong quý III đã mua vào tổng cộng 3,9 triệu cổ phiếu SGN, tương đương tỉ lệ 11,68%. Đến ngày 13/10, quỹ này đã mua thành công 161.700 cổ phiếu của SGN với mục đích đầu tư, qua đó nâng tỉ lệ sở hữu lên 12,24% vốn điều lệ tại SGN, tương đương tăng từ 3,9 triệu cổ phiếu lên hơn 4,1 triệu cổ phiếu.
Trong quý III, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) đã không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Trước đó, IMP Corp sở hữu 7,61% vốn điều lệ tương ứng gần 25,6 triệu cổ phiếu SGN.