Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025

Trên cơ sở dự báo về diễn biến năm 2025 rất khác trong một bối cảnh mới, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi để ngành ngân hàng bơm vốn vào thị trường hiệu quả hơn.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển
Chuyên gia Đinh Thế Hiển
51 bài viết
Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với nghịch lý thừa tiền. Trạng thái tín dụng đang khó mà bây giờ bị đột ngột dừng thì ngân hàng cũng khó chuyển tín dụng qua khách hàng mới. Quy định quá chặt sẽ vừa làm khó các ngân hàng vừa làm giảm tính thị trường của ngân hàng thương mại
Tại: Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Chuyên gia đề xuất gì?
Từ giờ đến cuối năm, mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, nhưng người dân vẫn chọn gửi ngân hàng bởi so sánh đây vẫn là kênh “tạm” có lợi hơn cả
Tại: Ngân hàng kết dư hàng triệu tỷ đồng: 'Thúc' dòng tiền đi vào lưu thông
Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 1.

PV: Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024, theo ông, đâu là dấu ấn thành công của ngành ngân hàng trong 11 tháng vừa qua?

Thứ nhất, thành công nổi bật của ngành ngân hàng năm 2024 đó là hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững, ổn định phát triển sau “cú sốc” SCB. Vấn đề tái cấu trúc diễn ra trong sự thuận lợi mà không gây lo lắng cho người dân trong quá trình gửi tiền.

Thứ hai, vấn đề quản lý tiền gửi và tiền cho vay ổn định, không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước. Hiện nay, lãi suất VND ở mức 5%/năm là hợp lý. Mức lãi suất huy động ổn định sẽ góp phần ổn định thị trường vốn.

Chúng ta cần có quan điểm rõ ràng rằng, gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư để kỳ vọng thu khoản lợi nhuận cao, rủi ro thấp, tức thu lợi nhuận trên đồng tiền thụ động. Lãi suất tiền gửi tiền tại các nước phát triển trên thế giới đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 2.

Hiện tại, ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm. Đây là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng 1%.

Vì sao lãi suất huy động thấp sẽ tốt cho nền kinh tế? Bởi người dân quen gửi ngân hàng để vừa an toàn vừa muốn hưởng lãi suất cao. Nhưng như vậy, việc này sẽ tạo ra chi phí vốn cho ngành ngân hàng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cao.

Trong khi đó, 2024 mở ra một giai đoạn lãi suất ổn định, không phải là nơi tìm kiếm lợi nhuận giúp cho chi phí vốn thông qua cung ứng vốn tín dụng ngân hàng dần trở về mức hợp lý. Đây là điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 3.

Một điểm khác, đó là dù chúng ta thấy, các ngân hàng những năm qua vướng vào cho vay bất động sản rất lớn. Cụ thể, các ngân hàng tham gia vào đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cao. Nhiều khoản vay trái phiếu phải gia hạn. Ở giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp cũng lao đao. Trước tình hình đó, NHNN đã cho giãn nợ đến hết tháng 12/2024. Đến nay dù nguồn vốn vẫn còn khó khăn nhưng nhìn chung hệ thống ngân hàng vẫn ổn định. Việc đưa vốn vào nền kinh tế thuận lợi, không ắch tắc như năm 2022. Đó là thành tựu lớn của ngành ngân hàng.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 4.

Còn những vấn đề nổi cộm đáng quan tâm của ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại, thưa ông?

Chúng ta quan sát cuối quý III đầu IV, lãi suất huy động có xu hướng tăng lại. Chỉ số lạm phát cùng thời điểm rất tốt, dưới 4% nhưng lãi suất huy động vẫn tăng. Có thể do các ngân hàng cần vốn. Nếu xu hướng này diễn ra trong ngắn hạn không sao nhưng nếu các ngân hàng tiếp tục vì nhu cầu vốn mà cạnh tranh cho vay với xu hướng tăng lãi suất như vậy thì đó là vấn đề cần quan tâm.

Thứ hai về tỷ lệ giữa tiền gửi, tiền cho vay tương đối tăng dù đang ở ngưỡng an toàn với các ngân hàng. Các hệ số an toàn với ngân hàng như huy động và cho vay phải quay về chuẩn Basel II.

Tiếp theo, về nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, ngân hàng đang từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngắn hạn của người dân. Các ngân hàng đang hướng tới phát hành trái phiếu trung và dài hạn để có nguồn vốn cho vay dài hạn. Đó là điểm đáng chú ý của các hệ thống ngân hàng hiện nay.

Đâu là trở ngại nội tại kéo dài từ năm 2024, sang năm 2025 mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt, thưa ông?

Những năm trước, ngành ngân hàng đã có một giai đoạn dài đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn đồng thời mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Cộng 2 khoản này thì đây là cái vướng của hệ thống ngân hàng. Bởi các ngân hàng đã quá dựa vào thế chấp của bất động sản. Khi thị trường bất động sản suy thoái, các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vốn.

Đây là vấn đề trong năm 2025 mà các ngân hàng sẽ phải tiếp tục xử lý để giữ nợ xấu không bị tăng và nguồn vốn thu vòng về tốt hơn, không tồn đọng ở những công ty bất động sản.

Nằm trong chuyện đó, chính là thách thức sự chuyên nghiệp của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp cổ phần đại chúng nhưng cũng là định chế tài chính quan trọng. HĐQT không phải là người chủ sở hữu nhiều vốn nhưng phải là người do chủ sở hữu chọn ra, có thành tích và uy tín.

Chỉ khi ngân hàng có HĐQT chuyên nghiệp mới có chiến lược phát triển bền vững và chọn được ban giám đốc ban điều hành giỏi, giám sát cho ban này. Đây là điểm yếu của khoảng 30% ngân hàng nhỏ tại Việt Nam khi chưa thực sự chuyển mình thành định chế tài chính chuyên nghiệp, độc lập với người chủ của ngân hàng đó.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 5.

Vì sao nói tới chuyện này? Bởi hàng loạt vấn đề mà ngân hàng gặp phải nợ xấu, huy động dòng vốn liên quan tới một phần do vay sân sau, vay thân hữu do HĐQT không độc lập và chuyên nghiệp.

Nếu tiến thêm bước nữa, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới mạnh lên và việc đưa vốn vào nền kinh tế sẽ hiệu quả.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 6.

Năm 2024, NHNN đã thực hiện thay đổi cơ chế phân bổ room, phân bổ ngay từ đầu năm và trao cơ hội cho những ngân hàng có thể tăng trưởng. Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi này?

Đối với bản thân các NHTM, vấn đề phát triển tín dụng phải nằm trong một chiến lược dài hạn chứ không phải thay đổi liên tục. Và hàng năm, các NHTM sẽ đặt ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm đó. Nên việc NHNN cấp chỉ tiêu đầu năm hoàn toàn phù hợp để NHTM có định hướng hoạt động cả năm. Nếu trong điều kiện thuận lợi, các NHTM được bổ sung, tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cũng sẽ không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của ngân hàng đó. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với diễn biến của thị trường.

Đương nhiên, NHNN nên xem xét 6 tháng đánh giá lại và điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Vì sau 6 tháng, tình hình kinh tế luôn có sự biến động nhanh thì việc điều chỉnh là hợp lý.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 7.

Ông dự báo như thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024?

Tôi nghĩ để đạt mốc tăng trưởng tín dụng 16% như kỳ vọng của NHNN sẽ không khó vì các NHTM có nhiều chiến lược để thực hiện và đạt được con số mục tiêu đó.

Với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng là một chỉ tiêu quan trọng để tạo ra lợi nhuận. Đó không đơn thuần là chỉ số thể hiện kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn là sức ép để cổ đông đặt ra trong các đại hội cổ đông. Vốn dĩ, các cổ đông đều mong muốn ngân hàng phát triển nhanh, tăng trưởng tốt để tạo lợi nhuận, trên cơ sở đó, giá cổ phiếu sẽ tăng.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều ngân hàng vươn lên với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lọt vào TOP hàng đầu. Dù kết quả này tốt nhưng một số ngân hàng lại vướng vào nợ xấu. Thế nên, các ngân hàng cần hướng tới danh mục chỉ tiêu trong đó không chỉ bao gồm tăng trưởng tín dụng mà cần phải có chỉ tiêu nợ xấu, chất lượng tín dụng, chỉ tiêu về nguồn thu dịch vụ, về sự gắn bó khách hàng trong quá trình vay vốn và tiền gửi. Đây là các chỉ tiêu để ngân hàng tạo ra giá trị lan tỏa, tức gia tăng giá trị từ dịch vụ của ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại cần hoạch định chiến lược phát triển triển bền vững như đối với nền kinh tế. Tức không chỉ lấy mục tiêu về con số tăng trưởng GDP mà phải kèm theo chất lượng về GDP để vừa tăng trưởng, vừa bền vững.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 8.

Bước sang 2025, theo ông, đâu là cơ hội mà ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đón nhận?

Diễn biến 2025 rất khác trong một bối cảnh mới. Điều mà chúng ta thấy, rất nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Việt Nam khi FDI, xuất khẩu, ngành nông nghiệp, tiêu dùng đang cải thiện và phục hồi. Ngành thương mại và dịch vụ được kỳ vọng trong năm 2025 tăng 10%, hơn năm 2024.

Ngành bất động sản đang hướng tới gia tăng giá trị chứ không phải chờ tăng giá hay đầu cơ. Các khu vực bất động sản có khả năng tích tụ dân, hình thành các khu công nghiệp sản xuất kinh doanh, thuê mặt bằng thương mại văn phòng dịch vụ thì những khu vực đó phục hồi và tăng trưởng từ cuối 2025 và đầu năm 2026. Còn bất động sản ở vùng xa, đầu tư chờ nhà nước phát triển hạ tầng, chờ cơ hội chuyển đổi công năng tăng giá thì giai đoạn 2025 chưa thể có phục hồi tốt.

Với bối cảnh đó, ngành ngân hàng có cơ sở thuận lợi và kế hoạch đưa vốn vào thị trường hiệu quả hơn.

Những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng 2025- Ảnh 9.

Dòng vốn tín dụng trong năm 2025 sẽ chuyển động chảy vào các ngành như thế nào, theo dự báo của ông?

Tín dụng của ngân hàng trong 2025 sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị. Khu vực thương mại dịch vụ và kể cả những lĩnh vực từng gặp bất lợi như thủy sản cũng có tín hiệu phục hồi. Đây sẽ là khu vực sẽ hút dòng tín dụng.

Năm 2025, nhà đầu tư cá nhân tăng vay hơn so với năm 2024 để bỏ vốn vào bất động sản có khả năng khai thác và tạo ra dòng tiền. Ngân hàng cũng sẽ đưa vốn vào dự án nằm trong vùng đô thị hóa và khả năng khai thác cho thuê. Tín dụng bất động sản dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản ở khu vực đầu cơ trong năm 2025 khó tiếp cận được nguồn vốn.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!