Nợ ngân hàng tăng bằng lần, Thực phẩm Sao Ta kinh doanh ra sao?

9 tháng đầu năm 2023, Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.934 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 213 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) tính đến 30/9/2023, nợ phải trả của công ty tăng từ 872 tỷ đồng lên 1.450 tỷ đồng; tương đương tăng hơn 66%. 

Trong đó, vay ngắn hạn ghi nhận tăng mạnh nhất, gấp 2,2 lần lên 1.152 tỷ đồng. Khoản nợ “phình to" của Sao Ta đến từ 3 khoản vay lớn tại các ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng, VietinBank chi nhánh Sóc Trăng và VIB chi nhánh Cần Thơ.

Quay trở lại với bức tranh tài chính của Sao Ta, quý III/2023, công ty ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn biên độ tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 184 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. 

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Sao Ta phát sinh hơn 141%, lên mức 31,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng của Sao Ta đạt 67 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 18 tỷ đồng; tiết giảm lần lượt 27% và 25% so với cùng kỳ.

Nhờ vậy nên sau thuế, Thực phẩm Sao Ta báo lãi 89 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. 

Giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận, Thực phẩm Sao Ta cho biết kết quả này đến từ mảng kinh doanh tôm của công ty thành viên Khang An hoạt động có lãi 7,76 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 20,70 tỷ đồng và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.934 tỷ đồng, giảm 15%. Lợi nhuận sau thuế của Sao Ta đạt 213 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 53% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Sao Ta ở mức 3.595 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với đầu năm. Trong đó, công ty có hơn 56,4 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm mạnh hơn 90% so với đầu kỳ. Nguyên nhân là do công ty không còn ghi nhận khoản tương đương tiền đạt 295 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng trong kỳ ghi nhận tăng mạnh với 661,7 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với số đầu năm. Chỉ số hàng tồn kho ghi nhận mức tăng 34%, lên 1.241 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là thành phẩm.

Tại một diễn biến khác, theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – HK mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.

Các chuyên gia VASEP nhận định, thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.