Nửa đầu năm 2023, tỷ lệ tăng lương của DN Việt Nam xấp xỉ 8%, cao hơn các tập đoàn nước ngoài

Cũng theo Talentnet, Tp.HCM và khu vực miền Nam đang có mức trả lương cơ bản năm cho nhân viên tốt nhất Việt Nam, một phần đến từ sự quan tâm đầu tư từ DN nước ngoài.

6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng thấp thứ nhì kể từ năm 2011. Đây là hệ quả từ sự thụt lùi trong hoạt động xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng trong nước và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng sau các cuộc điều tra chống tham nhũng, đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) vào năm 2022.

Do đó, dù vốn đầu tư nước ngoài FDI vẫn được duy trì ổn định, song nền kinh tế chung sụt giảm đã tác động rất nhiều đến thị trường lao động, báo cáo lương 2023 "The Makeover" của Talentnet mới công bố ghi nhận. Khảo sát 2023 ghi nhận sự gia tăng về số lượng DN tham gia, đạt 638 DN. Trong đó có 578 DN nước ngoài và 60 DN trong nước, tăng 30 DN so với năm 2022. Vị trí và số lượng người lao động tham gia khảo sát cũng tăng vượt bậc, với hơn 3.439 vị trí đến từ hơn 544.005 người lao động trên khắp Việt Nam.

Một số xu hướng đáng chú ý trên thị trường lao động Việt Nam, bao gồm:

Một , Tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện trong DN Việt giảm : Như một hệ quả tất yếu, khi nền kinh tế đi xuống, người lao động có xu hướng bám trụ với công việc hiện tại dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm.

Năm 2022, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyên là 22,1% ở công ty Việt Nam và 15,8% ở công ty nước ngoài. Sang đến nửa đầu năm 2023, con số này là 10,4% ở công ty Việt Nam và 6,5% ở DN nước ngoài, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao trong 6 tháng đầu năm 2023 không thay đổi nhiều so với năm 2022. Riêng mảng tài chính phi ngân hàng tiến lên vị trí thứ 2 với 10,9%, theo ngay sau là sản xuất với 9,5%, đẩy bất động sản rời khỏi Top 3.

Trong khi đó, 3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất vẫn là dầu khí & khai khoáng, hóa chất và cung ứng. Nguyên nhân là những ngành này vốn sở hữu yêu cầu tuyển dụng nhân sự đặc thù, có chuyên môn cao nên mức trả lương cũng rất tốt so với mặt bằng.

Nửa đầu năm 2023, tỷ lệ tăng lương của DN Việt Nam xấp xỉ 8%, cao hơn các tập đoàn nước ngoài - Ảnh 1.

Hai , tỷ lệ tăng lương của DN Việt cao hơn DN nước ngoài : Năm 2023, tỷ lệ gia tăng ngân sách lương của DN Việt Nam đạt 7,9%, tăng nhẹ so với năm 2022. Chỉ số tương tự ở DN đa quốc gia là 7,1%. Dự đoán với tình hình hiện tại của nền kinh tế, ngân sách tăng lương của DN Việt sẽ giảm còn 6,9% trong năm 2024, trong khi DN nước ngoài vẫn duy trì ổn định ngân sách tăng lương.

Do đi theo chính sách từ vùng, ngân sách tăng lương của các DN nước ngoài tại Việt Nam không thay đổi quá nhiều dù kinh tế biến động. Ngược lại, các DN Việt Nam phản ứng trước biến động với việc giảm ngân sách lương dành cho thăng tiến và điều chỉnh so với thị trường (market adjustment) trong năm 2023, so với 2022.

B a, trung bình lương cơ bản của Hà Nội thấp hơn Tp.HCM 12% : Theo Talentnet, Tp.HCM và khu vực miền Nam đang có mức trả lương cơ bản năm cho nhân viên tốt nhất Việt Nam, một phần đến từ sự quan tâm đầu tư từ DN nước ngoài.

Hà Nội dù cũng là một trọng điểm kinh tế nhưng mức trả lương cơ bản năm lại thấp hơn 12% so với Tp.HCM, thậm chí thấp hơn cả các tỉnh thành phía nam khác nói chung đến 10%. Đà Nẵng có mức lương cơ bản thấp hơn tới 26% so với Tp.HCM. Nếu tính tổng thu nhập gồm đãi ngộ, chênh lệch này được rút hẹp còn 18%.

Nửa đầu năm 2023, tỷ lệ tăng lương của DN Việt Nam xấp xỉ 8%, cao hơn các tập đoàn nước ngoài - Ảnh 2.

Bốn , DN Việt trả lương thấp hơn doanh nghiệp đa quốc gia 23% : Theo kết quả khảo sát 2023, mặt bằng chung tổng thu nhập ở các công ty Việt Nam thấp hơn các công ty đa quốc gia là 23%.

Cấp bậc của người lao động càng tăng, sự chênh lệch trong mức lương càng rõ ràng. Từ cấp giám sát trở lên, tổng mức thu nhập thực tế của người lao động tại DN Việt Nam trả lương trung bình (P50) còn thấp hơn mức tổng thu nhập tại DN nước ngoài sở hữu mức lương thấp (P25).

Nhìn rộng hơn ở khu vực châu Á, các chuyên gia cho biết đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất trong 16 năm, bất chấp sa thải hàng loạt. Nguyên nhân vì sự xuất hiện của nhiều cơ hội việc làm mới, kết hợp nhiều doanh nghiệp chưa có chính sách tối ưu để linh động nhân tài (lack of talent mobility). Thiếu hụt nhân tài có tỷ lệ cao ở các ngành như Sales, Marketing và Quản lý sản phẩm (44%), Kỹ sư và khoa học (32%), Khoa học máy tính, điện tử và viễn thông (27%)...

Ông Alan Malcolm - Giám đốc Đối tác chiến lược, Udemy - công bố một số liệu gây sốc: “Mỗi năm, 7,8 tỷ USD, tương đương 11% GDP toàn thế giới đã thất thoát, chỉ vì người lao động mất kết nối với doanh nghiệp”.

Nghiên cứu đã trở thành lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp. Trước khi nghĩ xa đến đổi mới, thử thách thực tế doanh nghiệp cần giải quyết là xây dựng chiến lược gắn kết hiệu quả để người lao động sẵn lòng dấn thân cải tiến. Theo ông Alan Malcolm, công ty sở hữu lực lượng lao động gắn kết có khả năng tạo lợi nhuận tốt hơn 23% so với các công ty còn lại.