2023 là một năm không mấy khả quan cho thị trường bất động sản. Kéo theo đó, loạt ngành liên quan bị ảnh hưởng nặng nề, đáng chú ý là nhóm xây dựng. Hệ quả, dự kiến, nhiều nhà thầu khó có thể đạt được chỉ tiêu đề ra, cá biệt có Xây dựng Hoà Bình (HBC) còn đang thua lỗ nặng.
Trong chia sẻ mới đây, đại diện CTCP Đầu tư Xây dựng Phục Hưng (PHC) cho biết năm nay, doanh thu của Công ty ước đạt 1.700 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 10 tỷ đồng, chỉ thực hiện khoảng 20% kế hoạch đề ra. Tương tự, CTCP Fecon (FCN) cũng phân trần khó thực hiện được kế hoạch kinh doanh năm nay, dù quý 4 có chuyển động tích cực hơn nhưng không “gánh” được 3 quý đầu năm….
Là doanh nghiệp (DN) cung cấp hóa chất vật liệu xây dựng, Sika cũng nhấn mạnh bị ảnh hưởng không ít từ diễn biến thị trường khó khăn. 2023 theo đó là năm Sika tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm vừa qua tại thị trường Việt Nam. Dù chưa vượt kỳ vọng, song Sika Việt Nam năm qua vẫn duy trì được tăng trưởng 2 con số và tốt hơn mức chung của thị trường, bất chấp những biến động về nguyên vật liệu, giá trị nguyên vật liệu hoặc các chi phí liên quan đến vận hành và vận tải.
Để có được mức tăng trưởng này, theo ông Jacobo Perez Polaino - Tổng Giám đốc Sika Việt Nam – nhờ có sự dự đoán được trước tình hình thị trường, và DN chủ động chuyển hướng tập trung. Cụ thể, thay vì tiếp tục phát triển ở mảng thị trường dân dụng, năm 2023 Sika Việt Nam chuyển hướng thay đổi tập trung vào đầu tư các giải pháp cho cơ sở hạ tầng, các các dự án nhà xưởng có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, DN còn cung cấp được các đơn hàng lớn trong mảng công nghiệp tự động hóa tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu để so sánh với những thị trường trước đây mà Sika đang có kết quả kinh doanh tốt (như phân khúc chung cư, khách sạn nghỉ dưỡng) thì con số này theo Tổng Giám đốc chưa được lạc quan lắm. Thực tế, chung cư, khách sạn nghỉ dưỡng là hai phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm qua, và chịu tác động liên đới trực tiếp từ ngành bất động sản và suy thoái kinh tế.
Sang năm 2024, các chuyên gia kinh tế đã dự đoán sẽ là một năm có những bước đệm, thị trường có xu hướng phục hồi trở lại. Dưới góc độ là một thương hiệu sản xuất hoá chất vật liệu xây dựng hàng đầu, Sika cho rằng 3 yếu tố để có thể đặt niềm tin vào những đánh giá tích cực trên về thị trường xây dựng.
Thứ nhất, các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam như các đường cao tốc Bắc Nam, cầu đường liên tỉnh, sân bay quốc tế đã có sự tập trung và đẩy mạnh hơn từ chính phủ trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ số GDP của Việt cũng có sự tăng trưởng nhẹ so với kỳ vọng và dự đoán trước đây của các chuyên gia kinh tế. Đồng thời, chính phủ cũng đã có nhiều kế hoạch, cam kết đầu tư công sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Đây cũng là một trong những mảng quan trọng có thể giúp Sika Việt Nam phát triển và tăng trưởng tốt hơn trong năm sau.
Thứ hai, tiềm năng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể thấy được sự tăng trưởng tốt của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023. Sika rất kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng 2 con số tại thị trường nhà xưởng/nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam trong năm 2024 này.
Và cuối cùng, đối với nhà ở và dự án thương mại là phân khúc bị ảnh hưởng rất nặng giai đoạn 2022 – 2023, Sika nhận định. Đồng thời khi làm việc cùng chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế lớn toàn cầu hiện đang có mặt tại thị trường Việt Nam, Sika đánh giá phải nửa cuối năm 2024 thì mới có nhiều dự án sẽ tái khởi động.
Ông Jacobo Perez Polaino cho biết thêm, hiện tại phân khúc dự án chung cư, nhà ở và thương mại vẫn là phân khúc dẫn đầu thị phần khi chiếm hơn 60% thị trường. Tiếp đó 10% là phần đóng góp của các dự án nhà xưởng, nhà công nghiệp, và 20% còn lại là những dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư công của nhà nước. Trong năm 2023 cũng như 2024 Sika Việt Nam đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số ở 2 phân khúc trọng tâm: Nhà xưởng, nhà công nghiệp và Cơ sở hạ tầng, đầu tư công của chính phủ.
Được biết, Sika Việt Nam là công ty vốn 100% Thuỵ Sĩ, trực thuộc Tập đoàn Sika AG, bắt đầu phục vụ thị trường Việt Nam từ năm 1993. Sika Việt Nam có 2 nhà máy tại Nhơn Trạch (xây dựng năm 1997) và nhà máy Bắc Ninh (xây dựng năm 2012) cùng hệ thống 80 nhà phân phối phủ khắp trên toàn quốc.
Trong chia sẻ trước đó, đại diện nhấn mạnh hàng năm Sika đều đầu tư thêm cho nhà máy của mình để nâng cấp và mở rộng thị trường và dòng sản phẩm bán ra ở thị trường Việt Nam. Dù có những khó khăn, song thống kê của Global Data cho thấy ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm 8,1% theo giá trị thực từ năm 2023 đến năm 2026. Đồng thời giá nguyên liệu có khả năng tiếp tục tăng cao do Việt Nam phụ thuộc vào các nguồn thứ 3 về nguyên liệu thô. Đón đầu xu hướng đó, Sika nhấn mạnh Việt Nam đã, đang và tiếp tục là thị trường trọng điểm của DN trong thời gian tới.