Năm 2023 là năm đầu tiên tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) đạt được cột mốc 1 tỷ USD doanh thu mảng dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài. Trong một sự kiện tại Hà Nội vào ngày 11/1, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã công bố tập đoàn này phấn đấu đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Vị Chủ tịch của FPT chia sẻ 1 tỷ USD không phải là con số mà là cuộc đời, cả thời thanh niên, những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất đời ông. Vị doanh nhân này cho biết đây còn từng là ước mơ của cả FPT, và bây giờ nó đã thành hiện thực.
Ông Trương Gia Bình cũng đã chia sẻ tại sự kiện những gì mà FPT đã phải "đánh đổi" để có thể đạt được cột mốc 1 tỷ USD doanh thu mảng dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài. Vị doanh nhân này cho biết ngành phần mềm này rất "kỳ cục". Số tiền lớn nhất được đầu tư không để làm việc khác ngoài đào tạo nhân sự, học hỏi thêm những cái mới.
"Người FPT có khi chi đi học 3 tháng là vào làm và có lợi nhuận. Công ty phần mềm thường không phải đi vay ngân hàng vì lúc nào cũng có tiền, nhiều lúc cũng chẳng biết để làm gì. Tuy nhiên nghề IT này bắt nguồn từ con người, khó nhất là con người nên trước đây đa số tiền của chúng tôi dùng cho việc đào tạo nhân sự", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Chính việc việc dồn lực để đào tạo nhân sự đã giúp FPT có được sự tăng trưởng vượt bậc và một vị thế vững chắc sau 25 năm. Về vị thế của FPT hiện nay, ông Trương Gia Bình cho biết hiện nay 80% hợp đồng của FPT có trị giá 1 triệu USD trở lên.
"Trước đây chúng tôi phải đi xin công việc, giờ đây FPT có thể gặp mặt đối tác và cùng ngồi xuống để bàn công việc. Ai có thể giúp các tập đoàn toàn cầu quản trị những hệ thống thông tin phức tạp? Ai có thể cùng múi giờ, nói chuyện cùng ngôn ngữ với họ trên toàn thế giới? Chính là chúng tôi. Một phát hiện quan trọng là Ấn Độ chỉ nói tiếng Anh, còn FPT nói tất cả ngôn ngữ. Thế nên đại học FPT đưa vào đào tạo thêm tiếng Hàn, tiếng Trung…", ông Trương Gia Bình chia sẻ thêm về vị thế của FPT trên trường quốc tế hiện nay.
Một câu chuyên nữa được ông Bình chia sẻ là ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – nói chuyện ở Singapore 40 phút, ở Malaysia là 1 tiếng. Tuy nhiên khi sang Việt Nam vị tỷ phú này đã dành tới 4 tiếng đồng hồ và còn gọi Việt Nam là "quê hương thứ hai". "Điều này chứng tỏ điều gì? Đó là việc chúng ta đã bước vào một giai đoạn khác."
Về vị thế hiện tại của FPT, ông Trương Gia Bình còn cho biết thêm rằng, nhiều đối tác Nhật Bản đã gặp và hỏi FPT làm gì? FPT nói hiện tập đoàn đang làm chiến lược phát triển công nghệ DC5. "Họ họp lại với nhau và nói: làm chuyển đổi số với FPT, không ngờ FPT nhìn ra vấn đề đơn giản vậy, mạch lạc vậy. Đó là sự thay đổi vị thế. Chúng tôi đem ứng dụng chuyển đổi số thành công của FPT như CFS chương trình kế toán có thể dùng khắp mọi nơi. Có khát vọng nhưng cần ý chí, không bỏ súng, từng bước tiến lên. 25 năm đi đến điểm này và từ đây đi các điểm khác, nói vị thế làm gì cho thế giới", Chủ tịch FPT khẳng định.
Theo vị doanh nhân này, trước đây cơ hội của FPT là tin học, sau đó là chuyển đổi số và sau nữa là trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Trương Gia Bình cho biết FPT đang nghiên cứu để tạo ra những siêu máy tính, dữ liệu có thể tăng gấp đôi trong vòng một năm và có thể làm ra nhiều tiền hơn. Ông khẳng định đây sẽ là xu thế mới của tương lai. Chủ tịch của FPT cũng nói thêm rằng nếu chuyển 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin sang trí tuệ nhân tạo sẽ là một cuộc cách mạng mới.
Mục tiêu đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch CNTT tại thị trường nước ngoài có thực tế?
Tại sự kiện, một số người đã đặt ra thắc mắc rằng FPT đã mất 25 năm để có được 1 tỷ USD doanh thu mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài, vậy đặt mục tiêu 6-7 năm nữa con số này tăng lên mức 5 tỷ USD liệu có viển vông? Đầu tiên, theo ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Solfware điều này là hoàn toàn có cơ sở.
Đầu tiên, ông Tuấn cho biết hiện tại thị phần của FPT tại Mỹ và Châu Âu hiện còn nhỏ nên dư địa phát triển là rất lớn. Thị trường Châu Âu hiện đang đóng 7% doanh thu tại nước ngoài cho FPT nên ông cho rằng đây có thể là động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ hai, vị này cho rằng các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay chỉ mạnh ở một thị trường. Tuy nhiên FPT lại có được sự cân bằng, làm được cho cả Nhật, Mỹ, Hàn, Châu Âu... "Nói về chuyển đổi số ý tưởng có thể đến từ Mỹ hay Châu Âu, việc triển khai thường xảy ra ở Châu Á đầu tiên, đặc biệt là Đông Nam Á. FPT có thể có một thị trường đạt 1 tỷ USD doanh thu, một công ty chuyên ngành đạt 1 tỷ USD. Khi đạt được mục tiêu 1 tỷ này rồi sự tự tin lên rất cao, ai cũng hừng hực khí thế làm sao để đơn vị mình phụ trách đạt được 1 tỷ USD", ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ.
Mặc dù FPT có nhiều lợi thế như vậy tuy nhiên ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết tập đoàn này vẫn còn rất nhiều thách thức. Trong đó rủi ro lớn nhất là về nguồn nhân lực, khi thị trường AI đòi hỏi về con người là rất lớn. FPT đang có lợi thế tham gia vào lĩnh vực này. Có nhiều hướng đưa AI vào cuộc sống, đưa AI vào các sản phẩm của FPT.