Sáng ngày 26/4/2024, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) đã tổ chức ĐHĐCĐ, thông qua kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ - tăng 6% và lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng - cap gấp 10 lần năm trước. Đây cũng là mức cao thứ 2 kể từ khi thành lập năm 2017. Trong đó, lãi năm 2021 BAF đạt kỷ lục với 322 tỷ đồng.
Sản lượng bán ra gần 610.000 con heo
Năm nay, BAF dự kiến mảng chăn nuôi có sản lượng heo bán ra gần 610.000 con (96% heo thịt, 4% heo giống), gấp 2,1 lần thực hiện năm trước. Biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi dự kiến 23%.
Tính đến tháng 3/2024, tổng đàn của Công ty đạt gần 430.000 con, tăng gần 87% so với cùng kỳ, tương ứng sản lượng khoảng 1 triệu heo thương phẩm mỗi năm.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh thu dự kiến đạt 144 tỷ đồng, lãi sau thuế ước hơn 3 tỷ đồng, chiếm 1% lợi nhuận hợp nhất.
Còn mảng kinh doanh nông sản dự kiến doanh thu 2.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 32 tỷ đồng, chiếm gần 11% lợi nhuận toàn công ty.
Kết thúc quý 1/2024, BAF ghi nhận doanh thu tăng gần 60% lên 1.300 tỷ đồng; lãi ròng gần 119 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 4 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp chính vào lợi nhuận quý đầu năm là số tiền thu được từ chuyển nhượng đất.
Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá cho biết, BAF có mảnh đất ở Mai Chí Thọ, diện tích gần 1.600 m2, nhằm mục đích xây dựng toà văn phòng kết hợp sử dụng và cho thuê. Nhưng sau khi lên đề án thiết kế, tính cả lãi suất ngân hàng, nhận ra chi phí rất cao và không hiệu quả. Trong khi đó, việc đi thuê cho chi phí tài chính tốt hơn. Mặt khác, Công ty cần huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nên chúng tôi quyết định thanh lý khu đất này. Theo ông Bá, lô này mang lại nguồn lợi khá lớn cho Công ty, lên khoảng 80 tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2024 mở rộng thêm 7 chuồng trại
Năm 2024, BAF tiếp tục đẩy mạnh mở rộng quy mô. Công ty dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn), và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).
Trong đó, cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thị), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.
BAF còn dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt (cuối 2023, con số tương ứng là 37.000 và 330.000).
Nói về điều này, ông Sỹ Bá cho biết định hướng của BAF là xây dựng các trại lớn. Trước đây, quan niệm Công ty là làm càng lớn thì càng rủi ro. Tuy nhiên, để làm bài toán lớn thì cần có quy mô lớn. Tại đây, bên cạnh trang trại mình cần có vùng đệm lớn để bảo toàn an toàn sinh học.
Cũng theo đại diện BAF, hiện ngành chăn nuôi heo các trang trại đang tập trung chủ yếu tại miền Nam và Tây Nguyên (đến 70%), còn lại ở miền Bắc. Lý do đơn giản vì điều kiện chăn nuôi và đất đai. Khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đủ đất để xây trại lớn. Ở miền Bắc thì hẹp và nhỏ, chỉ xây được trại nhỏ hơn. Bên cạnh đó, miền Nam tuy nóng nhưng quanh năm ổn định.
Ông Trương Sỹ Bá: Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm từ 50-70%, và dự báo không còn sau 7-10 năm tới
Tại Đại hội, khi cổ đông hỏi BAF có lo ngại khi bên mình có rất nhiều đối thủ nội ngoại, ông Sỹ Bá cho biết cần xác định rõ đối thủ, và đối thủ cạnh tranh sống chết với BAF là ai?
"CP, Masan… đúng là đối thủ, nhưng chưa phải là đối thủ cạnh tranh sống chết với BAF, tức chưa làm Công ty không thể phát triển được nếu đủ lớn. Vậy đối thủ đó là ai? BAF dù không mong muốn nhưng phải nói đó là người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ", ông Sỹ Bá nói.
Theo ông, trước dịch thì chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 70% tổng đàn, còn công ty chăn nuôi như CP, Masan… còn lại chiếm chưa đến 30%. Dịch tả xảy ra đã khiến nhiều người bỏ chuồng, chưa kể theo yêu cầu mới nếu chuồng trại không đạt chuẩn phải đóng cửa… Theo đó, hộ nuôi nhỏ lẻ đã xuống dưới 50%.
Đại diện BAF nhận định sẽ còn xuống tiếp trong vài năm tới, và Công ty cùng các doanh nghiệp chăn nuôi đang lấy phần tự nhiên từ số hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đi này. Dự kiến 7-10 năm nữa, thì các công ty chăn nuôi sẽ lấy hết thị phần nhỏ lẻ, lúc đó cạnh tranh mới phát triển.
"Nhiều người nói CP điều tiết giá thị trường Việt Nam, nhưng tôi thấy câu này không đúng. Quy luật thị trường thì chiếm 30-35% mới điều tiết giá được, còn chỉ 10-15% thì chưa thể điều tiết thị trường. Đơn cử CP lên giá bán nhưng nếu mấy ngày không bán được họ sẽ phải giảm xuống ngay", ông Sỹ Bá cho hay.
Đại diện IFC ứng cử Thành viên HĐQT
Đại hội lần này cũng đã thông qua việc miễn nhiệm và bầu thay thế, bổ sung thành viên HĐQT. Cụ thể, 2 Thành viên HĐQT là ông Bùi Quang Huy và ông Nguyễn Duy Tân được miễn nhiệm theo đơn từ nhiệm từ ngày 30/9/2023 và 26/4/2024.
BAF bầu bổ sung 2 thành viên, gồm:
+ Ông Nguyễn Thanh Tân (sinh năm 1975), trình độ Thạc sĩ. Ông Tân cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP BrainMark Vietnam - thành viên của BrainGroup, đơn vị chuyên tư vấn doanh nghiệp phát triển hệ thống quản lý, nhân sự, marketing, thương hiệu…
+ Ông Prasad Gopalan (sinh năm 1964, quốc tịch Ấn Độ). Ông Gopalan là đại diện từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – đơn vị đang tài trợ tín dụng xanh cho BAF, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Toàn cầu mảng nông nghiệp & lâm nghiệp.
Chủ tịch Trương Sỹ Bá cho biết, ông Gopalan là ứng viên đã hoạt động tại IFC trên 30 năm. Ông Gopalan đã thành công với nhiều thương vụ nông nghiệp trên thế giới, trong đó 1 công ty ở Trung Quốc hiện đã lên top đầu thế giới. Ông Sỹ Bá kỳ vọng sự góp mặt của ông sẽ mang đến kinh nghiệm, thể hiện sự tin tưởng hơn, cam kết đồng hành của IFC và BAF trong thời gian tới, không chỉ riêng deal từ 2023 mà còn nhiều vòng gọi vốn tiếp theo.