Pacific Airlines khi về "trọn vẹn" với Vietnam Airlines: Ba năm liền lỗ trên 2.000 tỷ/năm, lỗ lũy kế cả chục nghìn tỷ đồng

Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, từng được hãng không Australia rót tiền đầu tư.

Theo báo cáo thường niên 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines , mã chứng khoán: HVN), hãng hàng không này đã báo cáo kết quả lỗ ròng gần 11.000 tỷ đồng trong năm 2022. Dù khoản lỗ này có giảm so với năm 2021 nhưng doanh nghiệp này đã ghi nhận năm lỗ thứ 3 liên tiếp, vốn chủ sở hữu âm hơn 35.000 tỷ đồng khiến cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ hủy niêm yết.

Theo lý giải, số lỗ hợp nhất năm 2022 đến từ kết quả lỗ của công ty mẹ và hãng hàng không Pacific Airlines, trong khi các công ty
thành viên khác đa số có kết quả khả quan và có lãi. Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines đã nhận 30% số cổ phần của Pacific Airlines do cổ đông ngoại Qantas Airways tặng.

Theo BCTC kiểm toán của Vietnam Airlines, việc nhận thêm cổ phần của một công ty đang thua lỗ âm vốn chủ khiến Vietnam Airlines phải hạch toán thêm khoản lỗ 1.749 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phối.

Pacific Airlines khi được Qantas tặng lại 30% cổ phần: Ba năm liền lỗ trên 2.000 tỷ/năm, lỗ lũy kế cả chục nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Liên tục tái cấu trúc, Pacific Airlines vẫn liên tục thua lỗ

Từ đầu những năm 2000, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines đã liên tục thua lỗ. Phần vốn nhà nước tại hãng hàng không này ban đầu do Vietnam Airlines quản lý đến năm 2005 được chuyển giao cho Bộ Tài chính rồi sau này được chuyển giao cho SCIC.

Đến tháng 4/2007, Pacific Airlines bất ngờ "bén duyên" với Qantas Airways. Khi đó, hãng hàng không đến từ Australia ký hợp đồng đầu tư với SCIC về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược. Qantas tham vọng đưa hãng hàng không giá rẻ của riêng mình là Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ châu Á.

Pacific Airlines khi được Qantas tặng lại 30% cổ phần: Ba năm liền lỗ trên 2.000 tỷ/năm, lỗ lũy kế cả chục nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacific sau khi nhận khoản đầu tư từ Qantas Airways.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng đổi lại sẽ chuyển sang dùng thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.

Dù được đầu tư mạnh tay, đến cuối năm 2011, Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam. Do hậu quả của nhiều năm lỗ liên tiếp, hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động.

Cũng trong năm 2011, Vietnam Airlines đã nhận tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với gần 69% cổ phần và một lần nữa trở thành công ty mẹ của hãng hàng không này. Bằng kinh nghiệm của mình, Vietnam Airlines được giao nhiệm vụ đưa Jetstar Pacific trở lại đà phục hồi và phát triển đội bay.

Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific từng bước giảm lỗ và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018 và 2019. Tuy nhiên, khi chưa kịp "hái quả" thì Covid-19 ập đến khiến ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề và hầu hết đội bay phải ngừng hoạt động, Pacific Airlines lại tiếp tục đà thua lỗ của mình.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại. Đến quý 1/2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.

Tại thời điểm chuyển giao, ông Gareth Evans, Lãnh đạo cấp cao tập đoàn Qantas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Jetstar cho biết: "Trước một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam và sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng đã đến lúc tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. Đồng bộ hoá hệ thống đặt chỗ sẽ giúp Pacific Airlines giảm chi phí và tạo nền tảng vững chắc để hãng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ sau khi các quy định về hạn chế di chuyển quốc tế được gỡ bỏ."

Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng, giảm lỗ 212 tỷ đồng so với năm 2021.

Theo số liệu của chúng tôi trong giai đoạn 2009-2021, Pacific Airlines chỉ có lãi 3 năm trong khi 14 năm còn lại thua lỗ.

Với 3 năm liền lỗ trên 2.000 tỷ đồng/năm từ sau giai đoạn covid, ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ và vốn chủ âm 6.700 tỷ đồng.



Pacific Airlines khi được Qantas tặng lại 30% cổ phần: Ba năm liền lỗ trên 2.000 tỷ/năm, lỗ lũy kế cả chục nghìn tỷ đồng - Ảnh 3.

Phía Vietnam Airlines cho biết năm 2022, thị trường hàng không nội địa bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên thị trường hàng không quốc tế chưa khôi phục được như kỳ vọng do nhiều thị trường trọng điểm vẫn còn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế. Bên cạnh đó giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá biến động mạnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Pacific Airlines.

Trước tình hình hết sức khó khăn của Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp hãng này vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Với việc kinh doanh không hiệu quả, kể từ đầu năm 2022 Vietnam Airlines đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan
tâm đến quá trình tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines. Tuy nhiên quy
trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. VNA đang tiếp tục báo cáo các cấp chính quyền để xử lý.

Pacific Airlines khi được Qantas tặng lại 30% cổ phần: Ba năm liền lỗ trên 2.000 tỷ/năm, lỗ lũy kế cả chục nghìn tỷ đồng - Ảnh 4.