Giới thiệu những chiếc ốp lưng điện thoại (case) mỏng nhẹ có giá 400.000 - 500.000 đồng/chiếc, nhà sáng lập kiêm CEO Slimcase - Hải An cùng Sale Manager - Thành Long muốn kêu gọi các "cá mập" đầu tư 500.000 USD đổi lấy 12% cổ phần.
Giới thiệu về những chiếc ốp lưng mang thương hiệu Slimcase, Thành Long tự tin đây là ốp lưng mỏng gần như nhất thế giới, magsafe chỉ 1mm - mỏng hơn cả case của Apple. Trong khi đó, một chiếc ốp lưng điện thoại trong suốt MagSafe cho iPhone 15 Pro đang được Apple Việt Nam niêm yết với giá khoảng 1.429.000 đồng, tức gấp 3 lần giá của Slimcase.
Dù là một startup trẻ nhưng doanh nghiệp này đưa ra bức tranh kinh doanh khá ấn tượng. Theo đó, Slimcase khởi đầu từ Singapore, hiện tại có mặt ở 20 quốc gia. Doanh thu toàn cầu năm 2020 đạt 1,7 tỷ đồng, năm 2021 là 14,3 tỷ đồng và 2022 là 34 tỷ, tỷ suất nhuận 15%. Năm nay, Slimcase dự định doanh thu 45 tỷ, lợi nhuận 7 tỷ đồng. Đến 2024, dự kiến doanh thu có thể đạt 120 tỷ đồng.
Nhà sáng lập Hải An bày tỏ tham vọng trở thành hãng ốp lưng toàn thế giới. "Ngành này chưa có doanh nghiệp nào là "top of mind" và đó là mục tiêu của chúng tôi", Hải An nói.
Trả lời Shark Hùng Anh về kênh phân phối, Sale Manager - Thành Long cho biết hiện công ty chủ yếu phân phối qua kênh online, với 7 thị trường chính. Trong đó, Việt Nam đóng góp 37% tổng doanh thu – chiếm tỷ trọng lớn nhất, thứ hai là Philippines với khoảng 23% tổng doanh thu.
Về vấn đề bản quyền và thiết kế, CEO Hải An chia sẻ, công ty hợp tác cùng một số đội ngũ trên thế giới tại Nga, Italia để thiết kế sản phẩm, có đăng ký bản quyền ở Trung Quốc - nơi sản phẩm được sản xuất.
Trong khi đó, Shark Hùng Anh cho rằng việc đăng ký bản quyền ở Trung Quốc không có ý nghĩa do các mẫu iPhone ra mắt hằng năm, liên tục. Tuy nhiên, Thành Long phản biện: "Điện thoại ra mắt liên tục nên đây là tiềm năng, cơ hộ của Slimcase. Khách hàng mới sinh ra hàng năm. Đồng thời, tỷ lệ khách hàng sử dụng điện thoại 2-3 năm vẫn rất cao, có khách hàng mua lại điện thoại cũ thì họ cũng muốn mua ốp lưng cho điện thoại đó. Khi iPhone 14 ra mắt thì chúng tôi vẫn còn lô hàng của iPhone 13 Promax và iPhone 13 Pro, doanh số không hề giảm. Cho dù iPhone 14 ra mắt nửa năm rồi, chúng tôi vẫn được đặt hàng case cho iPhone 13".
Đồng thời, ốp lưng của các dòng điện thoại quá cũ như iPhone 7, iPhone 8 được đưa đến các quốc gia có nhu cầu cao như Ấn Độ. Dù doanh số 1-2 tháng đầu đóng góp 1/2 tổng doanh thu các thị trường nước ngoài, tuy nhiên, Slimcase đã phải tạm dừng phát triển tại đây do khó khăn về logistics, kho bãi.
Shark Louis lại muốn đội ngũ sáng lập Slimcase phân tích tiềm năng thị trường. Theo CEO Hải An, Slimcase hướng đến đối tượng khách hàng trưởng thành, các sản phẩm đều thiết kế tỉ mỉ để đánh vào sở thích của họ. Anh cho rằng hiện không có thương hiệu nào tập trung vào tính mỏng nhẹ, các hãng lớn đang tập trung phát triển dải sản phẩm rộng hơn. Tuy nhiên, câu trả lời này chưa thoả mãn vị "cá mập" khi nhà sáng lập chưa đưa ra được những con số ước tính cụ thể về tiềm năng thị trường.
Sau đó, Hải An và Thành Long cũng tỏ ra bối rối, chưa tự tin khi được Shark Minh Beta hỏi xoáy về mục tiêu, tính độc đáo của thương hiệu.
"Tam kiếm" hợp bích
Nhẩm tính về các chỉ số tài chính, Shark Tuệ Lâm ước tính Slimcase đang định giá với mức PE đạt 23,6 lần. Nữ "cá mập" thắc mắc về thước đo, hình mẫu để đưa ra con số này. Lý luận mà CEO Hải An đưa ra là Slimcase còn rất mới và tiềm năng. Câu trả lời chung chung khiến Shark Tuệ Lâm tiếp tục đặt câu hỏi: "Làm thế nào để doanh thu từ 45 tỷ lên được 120 tỷ đồng, do thị trường tiềm năng hay các bạn ra thêm sản phẩm mới?". CEO Hải An cho rằng bằng việc công ty có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng sản phẩm và thị trường.
Shark Minh Beta "trừ hao" rủi ro thị trường, ước tính doanh thu của Slimcase vào 2024 đạt khảong 100 tỷ đồng, biên lợi nhuận 15% (tương đương 15 tỷ đồng).
Đến đây, Shark Bình cho rằng định giá doanh nghiệp chỉ nên ở mức gấp 6 lần lợi nhuận, tức 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hải An cho rằng con số này chỉ bằng một nửa kỳ vọng ban đầu của startup. Để khẳng định thêm về tiềm năng và giá trị công ty, Hải An khẳng định các sản phẩm của Slimcase "khó sao chép".
Dẫu vậy, lời tuyên bố này ngay lập tức bị Shark Bình phản biện:"Tôi rất hiểu ngành sản xuất gia công Trung Quốc. Cách làm đó cũng nhiều rủi ro, ngay chính các nhà máy hay dropship Trung Quốc khi thấy một mã hàng nào được đặt nhiều thì thông tin sẽ được truyền đi và ngay lập tức họ có thể sản xuất sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn".
Trong khi Shark Tuệ Lâm và Shark Louis lắc đầu từ chối, 3 "cá mập" còn lại tỏ ra khá hứng thú với thương vụ, đánh giá startup có tiềm năng. Shark Bình, Shark Minh Beta và Shark Hùng Anh lần lượt đưa ra đề nghị: 500.000 USD cho 20% cổ phần; 12 tỷ cho 12% cổ phần và 500.000 USD cho 17% cổ phần.
Sau đó, Shark Bình có nhã ý "chung deal" cùng Shark Minh Beta, đóng góp 2 tỷ với 2% cổ phần, còn Shark Minh Beta phụ trách 10 tỷ cho 10% cổ phần.
Đến đây, Shark Hùng Anh cũng đề xuất ghép deal. Cuối cùng, 3 "cá mập" quyết định cùng đầu tư: Shark Minh rót 7 tỷ cho 7%, Shark Hùng Anh 3 tỷ cho 3%, còn lại Shark Bình 2 tỷ cho 2%. Ngoài ra, điều kiện là startup phải trả cổ tức hằng năm.
Shark Minh Beta giục giã startup: Deal quá tốt rồi đừng nghĩ nữa!
Hai bên điều chỉnh về doanh thu cam kết, từ 120 tỷ đồng còn 80 tỷ trong năm 2024. Trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận rót vốn, Slimcase cam kết sẽ đạt doanh thu 120 tỷ. Đồng thời, công ty bắt đầu trả cổ tức từ 2025. Đây cũng là con số cuối cùng được dàn "cá mập" và đội ngũ sáng lập thống nhất, qua đó tạo ra thương vụ "tay ba" giữa Shark Bình, Shark Minh Beta và Shark Hùng Anh.