Sau khi đánh rơi "viên kim cương" MWG, rổ VNDiamond tăng mạnh tỷ trọng các nhóm ngành "hot", 3 mã chứng khoán chiếm gần nửa danh mục

Việc tăng mạnh tỷ trọng những cổ phiếu được xem là "cánh chim đầu đàn" của những ngành "hot" giúp tô đậm thêm sức hút của VNDiamond không chỉ với nhà đầu tư trong nước mà còn là khối ngoại.

Kỳ cơ cấu danh mục cổ phiếu thành phần của bộ chỉ số VNDiamond tháng 4/2024 của HoSE gây chú ý với sự rời đi của cổ phiếu đầu ngành bán lẻ Thế giới di động MWG. Việc cổ phiếu có tỷ trọng top đầu trong rổ bị loại khiến danh mục chứng khoán cơ cấu trong bộ chỉ số VNDiamond biến động đáng kể.

Theo công bố mới nhất từ quỹ DCVFM VNDiamond ETF – quỹ ETF lớn nhất thị trường tham chiếu rổ VNDiamond với NAV gần 14.200 tỷ - đến trước khi chính thức bị loại tức ngày 26/4, MWG chiếm tỷ trọng 16,74% danh mục. Sau kỳ cơ cấu, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh thế chỗ MWG, song tỷ trọng khiêm tốn với 0,37% - thấp nhất trong bộ chỉ số. Những cổ phiếu có sẵn trong rổ Diamond được tăng mạnh tỷ trọng gồm GMD (tỷ trọng mới đạt 14,04%), PNJ (tỷ trọng mới đạt 14,28%), REE (tỷ trọng mới đạt 6,55%),…

Ngoài ra, FPT vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ VNDiamond với 16,25%, theo sau là PNJ, GMD, TCB…

Untitled.png

Tỷ trọng các ngành "hot" gia tăng mạnh

Theo ghi nhận, GMD của Gemadept được tăng tỷ trọng lên gần 4,9%, trở thành mã có tỷ trọng lớn thứ 3 trong rổ VNDiamond. Được biết Gemadept là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cảng biển và logistics của Việt Nam, trong đó hoạt động khai thác cảng đóng góp khoảng 70-80% doanh thu, còn lại đến từ mảng logistics.

Ở khu vực phía Bắc, Gemadept còn sở hữu hai cảng là Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải. Tại phía Nam, doanh nghiệp đang có 2 cảng container là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay và 1 cảng ICD Phước Long. Ngoài ra, Gemadept còn có một cảng hàng rời là cảng Dung Quất.

Tổng hòa những yếu tố này giúp Gemadept trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành logistics với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Không những vậy, mã GMD trên sàn cũng ghi nhận đà đi lên bền bỉ, thậm chí liên tục lập đỉnh mới.

Tương tự, PNJ được tăng tỷ trọng lên mức 14,28% - cao thứ 2 trong danh mục chỉ xếp sau FPT. Đây được xem là doanh nghiệp bán lẻ hiếm hoi toả sáng với kết quả tăng trưởng vượt trội trong bối cảnh toàn ngành "ngấm đòn". Tổng doanh thu cả năm 2023 vừa qua ghi nhận 33.137 tỷ đồng, lợi nhuận ròng thậm chí qua mức kỷ lục của năm trước đó, đạt 1.971 tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng tăng 9%.

Những thành công của PNJ được cho đến từ việc mở rộng được tập khách hàng mới đi cùng quy mô cửa hàng ngày càng phình to. Không những vậy, tình hình tài chính của PNJ tương đối vững mạnh khi "tranh thủ" lãi lớn vào quý 1/2024, doanh nghiệp tích cực trả nợ vay trả nợ gốc vay hơn 3.500 tỷ, trong khi vay mới gần 1.500 tỷ. Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của PNJ theo đó giảm mạnh 2.000 tỷ đồng, tương đương giảm 85% so với đầu năm, xuống còn 363 tỷ đồng, thấp nhất nhiều năm.

Đối với cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục là FPT, ước tính quỹ DCVFM VNDiamond ETF đang phân bổ khoảng 2.300 tỷ đồng. Không chỉ sở hữu kết quả kinh doanh đều đặn và giá cổ phiếu tăng bền bỉ, FPT còn là cổ phiếu hiếm hoi vẫn thường xuyên được khối ngoại săn đón trên kênh thoả thuận qua sàn bất chấp việc phải trả một khoản premium (chênh lệch) khoảng 7%. Đây 

Có thể thấy, rổ chỉ số Diamond vẫn đang sở hữu danh mục chất lượng với nhiều cổ phiếu thành phần có khả năng tăng trưởng cao nhờ động lực từ kết quả kinh doanh khả quan. Việc tăng mạnh tỷ trọng những cổ phiếu được xem là "cánh chim đầu đàn" của những ngành "hot" như bán lẻ, công nghệ, logistics,... đều là những nhóm ngành được kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm 2024 giúp tô đậm sức hút của VNDiamond không chỉ với nhà đầu tư trong nước mà còn là khối ngoại. 

Dòng vốn ngoại rút mạnh hàng nghìn tỷ

Mặc dù vậy, thời gian trở lại ghi nhận sự di cư lớn của dòng vốn khỏi rổ chỉ số "kim cương". Thống kê từ đầu năm 2024, dòng vốn vào DCVFM VNDiamond ETF đã rút ròng gần 6.300 tỷ và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

photo-1715239902753

Đà rút ròng ồ ạt ngay cả khi dòng vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan vào chứng chỉ lưu ký – DR của VNDiamond ETF tăng đều. Tính đến ngày 8/5, lượng chứng chỉ lưu ký DR dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) do Bualuang Securities phát hành đạt hơn 179 triệu đơn vị, tăng hơn 9,3 triệu đơn vị so với đầu năm 2024.

photo-1715241442402

Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND tăng tốt

Trước đây, rổ Diamond được ví như thỏi nam châm hút vốn ngoại do sở hữu toàn các cổ phiếu hết room ngoại (tỷ lệ FOL trên 95%) và thuộc những ngành tiêu biểu với tiềm năng tăng trưởng được đánh giá cao như bán lẻ, tiện ích, công nghệ, ngân hàng.... Tuy nhiên, hầu hết kỳ vọng là câu chuyện tương lai, trong khi đó hiện tại tình hình kinh tế vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro suy thoái, từ đó phủ đám mây u ám lên triển vọng tăng trưởng các ngành, phần nảo khiến rổ chỉ số bớt hấp dẫn.

Riêng với MWG, nhiều chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu bị loại khỏi rổ VNDimond có thể xuất phát từ nguyên nhân không đáp ứng được một số tiêu chí quan trọng, đặc biệt là chỉ tiêu P/E. Kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt kỳ vọng trước sức mua suy yếu kéo lợi nhuận Thế giới di động xuống thấp nhất kể từ khi niêm yết, đẩy P/E của MWG lên cao đáng kể, khiến mã này không được giữ lại trong danh mục rổ chỉ số kim cương.

Cần nói rằng cổ phiếu MWG ghi nhận tình trạng hở room ngoại trong nhiều tháng trở lại đây. Do đó những nhà đầu tư chỉ "đam mê" MWG hoàn toàn có thể mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn thay vì sở hữu gián tiếp. Không loại trừ khả năng một phần lực rút vốn đến từ bộ phận nhà đầu tư bán ra chứng chỉ quỹ ETF tham chiếu rổ VNDiamond để mua vào MWG.

Chia sẻ tại tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, chính Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết, kết quả kinh doanh giai đoạn 2022-23 của Thế Giới Di Động không tốt nên cổ phiếu MWG không còn đủ tiêu chuẩn nằm trong các rổ chỉ số, đó là tùy vào chiến lược của từng quỹ.

"Chúng ta làm tốt, các quỹ quan tâm đưa vào danh mục. Chúng ta làm dở, quỹ loại ra là quyết định bình thường. Tôi tin năm nay Thế Giới Di Động sẽ quay trở lại với sự hiệu quả, mọi thứ sẽ tốt lên, và có lẽ các quỹ sẽ cân nhắc để mua vào cổ phiếu MWG", ông Nguyễn Đức Tài thẳng thắn chia sẻ.