Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10 - 15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.
Nguyên nhân khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo lãnh đạo Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, là do nạn bùng nợ. Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ.
Chia sẻ tại Hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" sáng ngày 30/11/2023, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng quan hệ cho vay và thu nợ của các công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Tình trạng người vay bùng nợ đang là vấn đề nhức nhối của xã hội.
FE Credit ghi nhận đến 24 vụ nhân viên thu hồi nợ bị hành hung
“ Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm và làn sóng rủ nhau bùng nợ nở rộ như vậy, thời gian qua hoạt động thu hồi nợ luôn được chúng tôi ưu tiên. Hoạt động giải ngân các khoản vay mới của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi phải thận trọng hơn và rà soát kỹ hơn trong việc chọn lựa khách hàng, tập trung vào những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt ”, ông Marcin Figlus - Giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) - chia sẻ.
Theo vị này, FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ, đó là hoạt động bùng nợ có tổ chức bộc phát trong xã hội. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ. Với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE Credit, bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.
Thêm vào đó, việc khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ đã gây ra các xáo trộn tâm lý, hoang mang cho chính những nhân viên này. Tình trạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong hai năm qua.
“ Nếu như năm 2019 và 2020, công ty chúng tôi chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận ”, ông Marcin Figlus nhấn mạnh.
Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân còn hạn chế. Người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra. Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ. Chi phí nhắc nợ, chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo… như một hệ quả leo thang, chiếm một tỷ trọng lớn trong miếng bánh doanh thu không lấy gì làm đầy đặn của các công ty tài chính tiêu dùng.
Vị này cũng thông tin, FE Credit đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói cho vay trị giá 10.000 tỷ đồng dành cho những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước, với mức lãi suất chỉ tương đương 50% lãi suất trên thị trường, nhằm giúp công nhân có sự hỗ trợ về tài chính để cải thiện cuộc sống và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Các đối tượng người Trung Quốc, Nga, Nam Phi… đến Việt Nam cho vay với lãi suất trên 1.000%/năm
Một vấn nạn khác, theo ông Đào Minh Tú là hiện có rất nhiều công ty tài chính trá hình hiện nay lợi dụng mác công ty tài chính để cho vay, thậm chí sử dụng công nghệ cho vay qua app với quy trình cho vay rất đơn giản, 5-7 phút sau là có tiền vào tài khoản ngay. Nhưng đằng sau đó rất nhiều vấn đề xảy ra.
Thông tin đáng chú ý, qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm.
Theo ông Tú, những vấn đề này đã được nhận diện nhưng làm thế nào để giải quyết được nó. Nếu không thì bản thân các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị lấn át, đang bị mang tiếng, mất niềm tin của người dân, người vay, của nhà quản lý nên không thể hoạt động được.