Trong podcast FPT Edu Chill của FPT Education, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT đã chia sẻ nhiều câu chuyện trong suốt 30 năm làm việc tại Tập đoàn FPT, qua nhiều vị trí khác nhau, cũng như niềm hứng khởi khi đảm nhiệm công việc mới trong ngành giáo dục.
Ông Tiến gia nhập FPT từ tháng 9/1993, ngay sau khi vừa ra trường. Tại thời điểm đó, ông đối mặt áp lực lớn khi đã có vợ và một con 2 tuổi.
"Những năm tháng đầu ở FPT, tôi làm hai việc. Ban ngày làm ở FPT, tối đi làm thêm. Tất cả thứ bảy và chủ nhật đều đi làm. Tôi duy trì việc mỗi ngày làm 14-18 tiếng trong suốt 10 năm đầu tiên là điều rất bình thường. Mãi sau này khi đã có vị trí tại FPT, thu nhập tốt, tôi mới bắt đầu giảm dần cường độ", Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT kể lại.
Kỹ năng bán hàng "nhiều gấp 100 lần người khác"
Tháng 3/1994, ông Tiến được bổ nhiệm làm quản lý cửa hàng và 9 tháng sau đó trở thành phó giám đốc tại FPT. Như vậy, chỉ 15 tháng kể từ khi gia nhập Tập đoàn, ông đã lên làm lãnh đạo.
Bên cạnh sự chăm chỉ, nỗ lực lao động, ông Tiến cho biết có một yếu tố vô cùng quan trọng là may mắn. Theo sếp FPT, thời điểm ông vào Tập đoàn cũng là lúc tất cả các hướng kinh doanh đều phát triển bùng nổ - từ năm 1993 đến 1998.
Khi được hỏi về lợi thế để hơn được các bạn đồng trang lứa, ngoài chăm chỉ làm việc, ông Tiến cho rằng bản thân cũng có một số năng lực nhất định.
"Hồi xưa cùng đi bán hàng, bao giờ tôi cũng bán doanh thu gấp 3 lần người khác. Tại vì tôi chăm hơn và luôn tìm cách. Ngay từ bé tôi đã luyện được việc đặt mình vào vị trí của khách hàng. Trong lúc bán, tôi suy nghĩ xem họ muốn gì, từ đấy đưa ra những quyết định.
Nhưng bán gấp 3 lần người khác thì tôi cũng chẳng lên làm lãnh đạo sớm thế. Tôi phát hiện ra nếu bán gấp 3 người khác thì mình chỉ có thu nhập cao hơn và được khen thôi. Vì thế, tôi quyết định là làm sao để người khác bán hàng cho mình. Lúc đó, tôi đã thuyết phục được khoảng 50 công ty tin học khác ở Hà Nội bán hàng cho tôi. Như vậy tôi sẽ bán được gấp 100 lần người khác", ông Tiến chia sẻ.
Khi được hỏi làm thế nào để thuyết phục được các khách hàng, ông Tiến nhắc tới Chủ tịch FPT Trương Gia Bình – người đã "huấn luyện và đồng hành", giúp ông rèn luyện kỹ năng đàm phán. Ông Tiến kể lại, ban đầu ông Trương Gia Bình đưa ông Tiến đi gặp khách hàng để quan sát cách trình bày và thuyết phục họ. Sau khoảng 2 tháng, ông Tiến đảm nhiệm công việc này, Chủ tịch FPT ngồi nghe và rút kinh nghiệm cho nhân viên. Một tháng sau, ông Tiến bắt đầu đi gặp khách hàng một mình rồi về báo cáo. Thêm hai tháng nữa, ông được giao toàn quyền đảm nhiệm công việc.
"Cách làm như vậy của một người đứng đầu công ty cực kỳ đáng quý. Đấy là may mắn của tôi. Cho đến năm 30 tuổi, điều quan trọng là làm sao có người thầy tốt và người sếp tốt. Tôi may mắn gặp được cả người thầy tốt và người sếp tốt. Họ làm gương, sau đó cùng làm, rồi đến theo dõi, thử thách, giao quyền", lãnh đạo Đại học FPT cho hay.
"Hợp đồng 106 triệu USD hay 44.000 đồng đều vui như nhau"
Đề cập tới lý do chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ông Tiến hồi tưởng lại 10 năm trước, khi được hỏi rằng không làm phần mềm nữa thì sẽ làm gì, câu trả lời của ông là làm giáo dục.
"Tuy nhiên, lúc đó giữa chừng lại rẽ sang làm viễn thông, nhưng cũng rất vui khi được làm việc với người dân. Hợp đồng lớn nhất tôi ký được khi làm phần mềm là 106 triệu USD, còn hợp đồng nhỏ nhất khi làm viễn thông là 44.000 đồng. Tôi đều thấy vui như nhau", ông bày tỏ.
Chia sẻ về niềm vui trong ngành giáo dục, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT cho biết rất nhiều điều mà ông ấp ủ, trăn trở đã bắt đầu được thực hiện.
"Chúng tôi là thế hệ học tập một chiều. Thầy cô giảng, học trò nghe, ghi chép và cố gắng thể hiện. Đến thế hệ sau này, để đảm bảo đầu ra giống nhau, bắt đầu có văn toán mẫu, sử địa mẫu, đến giáo dục công dân cũng mẫu, nên toàn điểm 9, 10 là vì thế, không chấp nhận những lời giải khác.
Thực sự đấy là điều đe dọa quá kinh khủng đối với tương lai của Gen Z và cả đất nước. Thế hệ như vậy làm sao có thể cạnh tranh, trở thành những công dân toàn cầu, đáp ứng được những yêu cầu phát triển? Phẩm chất quan trọng nhất của Gen Z là tư duy độc lập và năng lực phản biện. Tôi đang được làm công việc thay đổi điều đó", ông Tiến nói.