Tái hiện làng quê Bắc bộ trên vườn sân thượng

Hải PhòngGiữa tháng 7, khi nông dân khắp miền Bắc ra đồng thu hoạch lúa, vợ chồng anh Hồng cũng lên sân thượng gặt lúa chín.

Đầu năm 2016, gia đình anh Đỗ Văn Hồng, 59 tuổi, chuyển từ chung cư sang nhà đất ở quận Hồng Bàng. Đây là cơ hội thực hiện ý tưởng xây ngôi nhà có đủ cỏ cây, hoa trái ấp ủ từ thời niên thiếu của anh thành hiện thực.

Do diện tích đất hạn chế, không đủ làm vườn nên anh Hồng quyết định thiết kế nhà có vườn trên sân thượng. Sau một năm thi công, nhà và vườn hoàn thiện. Khu vườn có tổng diện tích mặt bằng sàn mái là 100 m2 gồm 40 m2 sàn tầng 2 và 60m2 sàn tầng 3.

Trên sân thượng tầng hai, anh Hồng làm chống thấm, lắp điện, cấp thoát nước rồi đổ toàn bộ mặt sàn bằng 2 m3 xỉ than tổ ong, 10 m3 đất phù sa. Độ sâu của đất trên tầng là 35cm, đủ điều kiện cho nhiều loại cây trồng phát triển.

Sau khi san lấp mặt bằng, anh Hồng thiết kế đường đi quanh vườn với hai công năng: Bơm nước vào chảy tuần hoàn tạo thành dòng suối nhỏ uốn lượn, tháo nước ra thành con đường sỏi quanh co. Chính giữa anh đặt bàn cà phê.

Vườn tầng hai trồng nhiều loại cây lâu năm như: nhãn, mít, ổi, cóc, bưởi, hồng xiêm... và hai cây rau ngót cổ thụ cùng với cây gia vị, cây thuốc.

Dòng suối nhỏ nằm ẩn mình dưới những cây cổ thụ, những tán dương xỉ, rau và hoa, tạo cảm giác gần gũi, không sắp đặt. "Tiêu chí của tôi là vườn sân thượng tự nhiên như mặt đất, đúng nghĩa là một khu vườn của miền quê Bắc bộ", người đàn ông đã về hưu, nói.

Lối lên sân thượng tầng ba phủ đầy các loại cây leo, làm mềm không gian. Đây là nơi đặt nhiều tâm huyết của gia chủ, khiến khách đến nhà bất ngờ.

Với diện tích 60 m2, sân thượng tầng ba được anh Hồng sử dụng trồng cây trái leo giàn, rau củ quả mùa vụ, mía, chuối, dâu, táo, khế.

“Khi công trình mới hoàn thành tôi trồng rau quả tạm trong khay nhựa. Sau một năm, tôi xây bồn xung quanh, làm chống thấm cho từng bồn thay thế khay nhựa", chủ vườn nói.

Anh làm chòi mái lá, chuồng nuôi chim bán tự nhiên. Chính giữa vườn, anh đặt một bồn trồng sen và lúa luân canh. Khối lượng đất đổ trên sàn mái tầng ba là 3 m3.

Vợ chồng anh Hồng cấy lúa đợt Tết âm lịch, nay đã chín vàng. Hàng ngày, cả gia đình anh lên chòi ngồi uống nước chè tươi, ngắm lúa chín, ngửi hương lúa thoang thoảng.

Trung bình mỗi ngày, anh dành hai giờ làm vườn. Những loại sâu nhỏ, rệp nhỏ, anh dùng chế phẩm sinh học loại an toàn cho người và vật nuôi để phòng trừ. Sâu to và ốc sên anh chủ yếu bắt bằng tay. Nếu có ruồi vàng, anh dùng bẫy bả.

Chủ vườn mua phân gà, phân bò ủ hoai mục và tự làm phân bón theo công thức: một kg (tôm, tép, cá nhỏ) trộn với một kg đậu tương, thức ăn dư thừa, một muỗng NPK, một muỗng Kali, 20 cc canxi, cho tất cả vào máy xay thành 8 lít dung dịch hỗn hợp. Mỗi lít dung dịch này, anh pha với 8 lít nước sạch, mang tưới luôn cho các loại cây trồng mà không cần qua ngâm ủ.

Một tháng, anh tưới dung dịch 3-4 lần, tùy vào sự phát triển của cây, hàng ngày tưới nước sạch. Ngoài ra, khu vườn được lắp đặt hệ thống tưới chủ động, điều khiển qua mạng để vắng nhà không lo cây thiếu nước.

Trên sân thượng nắng nóng nên theo anh Hồng, nước là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của cây, đặc biệt là các loại cây leo giàn nhiều lá. "Phải theo dõi độ ẩm của đất, tình trạng của cây. Nếu mặt đất khô, cây rủ lá thì phải tưới lập tức. Nhờ vậy, vườn nhà tôi cây gì cũng xanh tốt", anh chia sẻ.

Ngoài nước, để có khu vườn đẹp, xanh tốt, bền vững, thu hoạch theo mùa thì đất phải tốt, sạch mầm bệnh, đủ lượng đất cần thiết để cây phát triển bộ rễ, đủ ánh nắng mặt trời, dinh dưỡng, giống tốt và gieo trồng đúng mùa vụ.

Sau 6 năm gắn bó, khu vườn là người bạn thân thiết của gia đình anh Hồng. Trên vườn, hoa thơm, trái ngọt, rau củ quanh năm. Nhà có bóng mát, không khí trong lành và không gian thoáng đãng để bạn bè, người thân vui chơi, thư giãn.

Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp