Chủ đầu tư loạt dự án tai tiếng
Tên tuổi của đại gia Thang Văn Lương (sinh năm 1972) gắn liền với sự phát triển của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group). Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 9/2003, với 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Vạn, bà Nguyễn Thị Tâm và bà Nguyễn Thị Vân.
Tính đến cuối năm 2017, Tincom Group có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Vạn nắm 1 triệu cổ phần, tỷ lệ 2%; 2 cổ đông cá nhân còn lại đã thoái toàn bộ vốn. Được biết, Chủ tịch HĐQT Thang Văn Lương từng nắm 19 triệu cổ phần, tỷ lệ 38% vốn TinCom Group.
Từ tháng 5/2019 đến nay, ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1967) đảm nhận chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tincom Group. Ông Hùng cũng từng là Chủ tịch HĐQT Đông Thịnh Phát cho đến tháng 6/2019.
TinCom Group được biết đến là chủ đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn TP. Hà Nội như TinCom Pháp Vân, TinCom City Point, Hà Nội Paragon, Imperial Plaza 360 Giải Phóng.
Đáng nói, nhiều dự án của Tincom Group đều vướng tai tiếng về nguồn gốc lô đất hay quá trình thi công. Điển hình là dự án Imperial Plaza tại khu đất 3,6ha vị trí đắc địa 360 Giải Phóng, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây vốn là đất của Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ Khí Quang Trung. Chính xác hơn, đấy là nền nhà máy cũ của Cơ khí Quang Trung trước khi được di dời về Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín.
Hay dự án TinCom Pháp Vân được chủ đầu tư tiến hành thi công khi chưa có giấy phép xây dựng hồi năm 2009-2010. Đến năm 2011, khi đã có giấy phép xây dựng thì dự án thi công cầm chừng rồi rơi vào cảnh "đắp chiếu" từ đầu năm 2012.
Đến năm 2016, dự án tiếp tục được triển khai và đổi tên từ Tincom Pháp Vân thành Dragon Riverside Pháp Vân quảng bá rầm rộ khắp nơi. Nhưng đến năm 2018, dự án lại tiếp tục dừng thi công.
Theo thiết kế, dự án gồm 29 tầng cùng với 1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm. Thế nhưng, đến nay dự án mới chỉ triển khai tới tầng thứ 25 và vẫn chỉ là một khối bê tông khổng lồ, bỏ hoang.
Trong khi đó, dự án Hà Nội Paragon tại từng Lô đất A3, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cũng bị Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận nhiều sai phạm hồi năm 2017.
Dưới thời Chủ tịch Thang Văn Lương, nhóm Tincom còn vướng vào nhiều khoản nợ xấu tại các ngân hàng. Hồi tháng 3/2023, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã đấu giá lần 2 khoản nợ xấu của nhóm Tincom với giá khởi điểm gần 1.345 tỷ đồng. Được biết tổng nợ xấu là 1.662 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 423 tỷ đồng và tổng lãi phạt hơn 1.238 tỷ đồng.
Không chỉ siết nợ, OceanBank đã khởi kiện các công ty thuộc nhóm Tincom tại Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy và đã tạm ứng án phí, chi phí thẩm định số tiền là 0,479 tỷ đồng. Người trúng đấu giá mua khoản nợ phải thanh toán lại cho OceanBank số tiền này.
Trước đó vào năm 2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã mang khoản nợ xấu của Tincom Group đấu giá lần 2 với mức khởi điểm hơn 149 tỷ đồng. Giá trị nợ xấu tính đến 21/10/2020 là 164 tỷ đồng.
Ngoài các dự án trên, thông qua Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát (công ty con của Đông Thịnh Phát), nhóm TinCom Group còn sở hữu 29,41% vốn Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn, cùng với CTCP Cao su Sao Vàng (26%) và Tập đoàn Hoành Sơn (44,59%). Theo tìm hiểu, Sao Vàng – Hoành Sơn được thành lập với mục đích hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại số 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, TP. Hà Nội).
Gia nhập dự án tỷ đô tại Ninh Thuận
Không chỉ trực tiếp điều hành Tincom Group, đại gia Thang Văn Lương còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại CTCP Xây dựng và Thương mại VT (không còn là người đại diện pháp luật từ tháng 7/2023), Công ty TNHH TVL Việt Nam, CTCP Quản lý Tài sản và Đầu tư Tài chính Bahamas (không còn là người đại diện pháp luật từ tháng 9/2023)...
Mới đây nhất, từ tháng 9/2023, doanh nhân Thang Văn Lương trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cap Padaran Mũi Dinh sau khi CTCP Đầu tư Bất động sản F.I.T (F.I.T Land) thoái toàn bộ vốn.
Cụ thể, Công ty CP Cap Padaran Mũi Dinh được thành lập vào tháng 6/2016, trụ sở tại phường Văn Hải, TP.Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận với tên gọi cũ là Công ty CP Mũi Dinh Ecopark.
Công ty này do ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Crystal Bay là cổ đông sáng lập và giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Từ tháng 7/2019, ông Nguyễn Văn Sang (SN 1975) trở thành Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này, còn ông Chi là Phó Chủ tịch HĐQT. Được biết, ông Nguyễn Văn Sang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn F.I.T. (F.I.T Group).
Đến tháng 8/2023, doanh nhân Thang Văn Lương trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cap Padaran Mũi Dinh đúng vào thời điểm F.I.T Land rút vốn khỏi dự án nói trên.
Về dự án Cap Padaran Mũi Dinh tọa lạc tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận); có diện tích gần 800 ha; với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng.
Dự án được định hướng thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, trong đó có các phân khu như khách sạn, resort, biệt thự biển, các khu tổ hợp căn hộ khách sạn cùng các tổ hợp vui chơi, thể thao giải trí.
Theo tiến độ, dự án sẽ chia ra làm bốn giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng đưa dự án vào khai thác từng phần trong năm 2024 và hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động vào tháng 6/2025.
Hiện, doanh nhân Thang Văn Lương vẫn đứng tên đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp như: CTCP Xi măng Lam Sơn, Công ty TNHH TVL Việt Nam (cả hai doanh nghiệp này đều không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký), CTCP Nhà máy bia Thăng Long và CTCP Dự án Tincomcity (đã ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế).