Ngân hàng VietinBank vừa qua đã thông báo phát mãi 400 tài sản đảm bảo, trong đó có rất nhiều khách sạn 4-5 sao có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh làn sóng M&A đang tăng cao kỷ lục, và bên tham gia mới dĩ nhiên những “tay to” nước ngoài mạnh về vốn.
M&A hoặc hợp tác để tìm thanh khoản
Trước đó không lâu, đại diện Meliá Hotels International cũng công bố “bắt tay” cùng lãnh đạo của KDI Holdings để khai trương Gran Meliá Nha Trang. Theo giới thiệu, đây là khu nghỉ dưỡng xa hoa đầu tiên của Gran Meliá Hotels & Resorts tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời là bước đi mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại này trong công cuộc tìm cơ hội mở rộng thị trường.
Trong báo cáo tháng 6/2023 vừa qua, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) công bố tư vấn thành công 2 thương vụ M&A khách sạn tại Tp.HCM. Đây là 2 trong số 3 thương vụ bán danh mục đầu tư khách sạn đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á của năm 2023. Hai khu lưu trú vừa đổi chủ là khách sạn 3 sao Ibis Saigon South và khách sạn 4 sao Capri by Frasers cùng tọa lạc ở quận 7, mang thương hiệu quốc tế.
“Rất nhiều khách sạn chọn hình thức M&A hoặc hợp tác khai thác để tạo ra thanh khoản trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều thách thức như hiện nay ”, JLL cho biết. Thị trường hiện lưu trú không chỉ chịu tổn thương hậu Covid-19, mà còn đối mặt với suy thoái kinh tế khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.
Nếu những tháng đầu năm, thị trường vẫn còn trụ được do hưởng lợi từ mùa cao điểm khách du lịch quốc tế và khách Việt kiều về nước ăn Tết; thì sang quý 2 tình hình kém sắc đáng kể. Hệ quả, áp lực chi phí lớn khiến loạt chủ khách sạn lớn nhỏ không thể cầm cự, phải bán tài sản.
Rục rịch tái khởi động sau M&A
Dù vậy, thị trường đang cho thấy tín hiệu mới sau cơn bĩ cực, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn “rục rịch” tái khởi động. Đơn cử, Marriott gần đây có nhiều hoạt động quảng bá cho loạt thương hiệu mới trong hệ thống của mình.
Đây thực chất là các dự án đơn vị nhận chuyển giao từ VinGroup từ năm 2022. Theo lộ trình đã thống nhất giữa 2 bên, đến năm 2023 sẽ có 6 khách sạn được triển khai hợp tác quản lý bao gồm: Vinpearl Landmark 81 Autograph Collection (hiện đang là Vinpearl Luxury Landmark 81), Đà Nẵng Marriott Resort & Spa (Vinpearl Luxury Đà Nẵng), Sheraton Phú Quốc Long Beach Resort (Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc), Sheraton Hải Phòng (Vinpearl Hotel Imperia Hải Phòng), Sheraton Cần Thơ (Vinpearl Hotel Cần Thơ), Four Points by Sheraton Lạng Sơn (Vinpearl Hotel Lạng Sơn).
Marriott được biết đến là nhà đầu tư sôi động trên thị trưởng nghỉ dưỡng cao cấp Việt. Đơn vị này hiện điều hành 16 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên khắp cả nước. Theo kế hoạch, số lượng khách sạn, resort thuộc hệ thống Marriott sẽ mở rộng theo cấp số nhân trong vài năm tới: ít nhất 30 khách sạn, resort. Trước mắt, đến cuối năm 2023, Marriott khai trương 4 khách sạn mới.
Một nhà đầu tư ngoại mới cũng vừa khai trương khách sạn HIIVE by Fusion tại thành phố mới Bình Dương. Với làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cùng với tần suất các chuyến công tác của các nhà đầu tư đang gia tăng nhanh chóng, chủ đầu tư kỳ vọng HIIVE by Fusion sẽ là thương hiệu khách sạn yêu thích của giới doanh nhân.
“Với sự hợp tác song phương với VSIP chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thương hiệu tại các vị trí đắc địa trong khu công nghiệp và thương mại trên toàn quốc” , ông Silvan Neuteboom - Cluster General Manager of HIIVE by Fusion – cho biết.
Góc nhìn lạc quan nhìn từ ngành du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể
Đánh giá về thị trường thời gian tới, vị này có cái nhìn lạc quan khi ngành du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể. Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10-25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt với chính sách kéo dài thời gian thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy cho sự phục hồi của ngành du lịch. Statista cũng dự báo doanh thu ngành khách sạn Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 7,4% mỗi năm, đạt quy mô 2 tỷ USD vào 2027. Thời điểm đó, số lượng khách quốc tế có thể đạt 12,3 triệu lượt.
Riêng tại thị trường Bình Dương, tính đến ngày 30/6/2023, Bình Dương có trên 4.100 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau TP.HCM. Bất chấp trước khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu, Bình Dương tiếp tục tạo được niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Nói về bức tranh M&A ồ ạt thời thời gian quan, ông Silvan Neuteboom không phủ nhận, và cho biết thấu hiểu tình hình kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều thử thách trong nửa đầu năm 2023 khi lượng khách du lịch quốc tế giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đặt ra thử thách chủ đầu tư và đội ngũ vận hành khách sạn phải có những chiến lược đổi mới, thích nghi với tình hình nhằm vượt qua thử thách hiện tại.
Mặc dù vậy, HIIVE by Fusion lạc quan với tình hình kinh doanh phía Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang duy trì ở mức ổn định và được dự đoán phát triển trong tương lai. Điều này kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cầu lớn cho ngành khách sạn từ các hoạt động công tác của đội ngũ chuyên gia, lao động người nước ngoài. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 4/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái.