Thầy giáo vác 100 bao đất lên sân thượng làm vườn

Đồng NaiBan đầu, định trồng rau cho khuây khỏa thời giãn cách xã hội nhưng khi bắt tay vào làm vườn, anh Quyền "đâm nghiện" nên quyết định mua 100 bao đất, làm hẳn khu vườn lớn.

Năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát khiến thầy giáo tiếng Trung Lày Thanh Quyền, 36 tuổi, thất nghiệp tạm thời. Để khuây khỏa, anh về quê nội ở huyện Trảng Bom mua hơn 100 bao đất chở lên TP Biên Hòa rồi một mình vác bộ lên tầng bốn trồng rau trong các thùng xốp.

Khi đã hiểu về cây trồng, anh Quyền đọc thêm thông tin trên mạng và hội nhóm học hỏi kinh nghiệm. Biết phương pháp trồng thủy canh không tốn diện tích, phù hợp với ban công sân, thượng, anh mua hai giàn về lắp ở ban công tầng ba.

Mỗi giàn có tám ống thuỷ canh dài ba mét. Phương pháp thủy canh không tốn công vác đất, chăm sóc, tưới tay như trồng bằng đất. Rau phát triển đều, tươi tốt hơn cả trồng trong thùng xốp.

Đây là khoảng không gian lý tưởng để gia đình anh Quyền vơi cảm giác ngột ngạt vì dịch bệnh và thêm động lực lập kế hoạch phủ xanh sân thượng.

Thay vì trồng rau trên thùng xốp, anh Quyền đầu tư nhà màng trồng dưa trên sân thượng rộng 80 m2 và dành 20 m2 ở tầng ba trồng rau thủy canh. "Tôi dành một tuần vác đất từ dưới nhà lên tầng bốn, đủ trồng 90 chậu dưa và đầu tư 20 triệu đồng để mua sắm thiết bị", anh nói.

Sau khi vác bộ được 100 bao đất, mỗi bao 25kg, lên tầng bốn, anh Quyền bị đau lưng, phải đi bệnh viện chụp chiếu, vật lý trị liệu cả tháng mới khỏi.

Một nửa diện tích tích tầng bốn trồng 90 cây dưa, trong đó có 60 cây lưới Honey Red và 30 cây dưa Kim Long.

Chủ vườn trộn phân trùn quế và bón lót cho cây để có dinh dưỡng dồi dào, an toàn và dễ hấp thụ. Ngoài ra, phân trùn quế nguyên chất còn cung cấp dinh dưỡng hữu cơ, tạo mùn và cải tạo đất trồng,...

Khoảng 10 ngày nữa vườn dưa nhà anh Quyền sẽ cho thu hoạch. Trung bình mỗi quả dưa lưới hiện nặng từ 1,5 kg đến 2 kg, có cây anh Quyền giữ lại hai trái. Riêng giống dưa Kim Long nặng 1,8-2,5 kg mỗi trái. "Tính đến thời điểm này, kế hoạch trồng dưa, rau sân thượng đã thành công tới hơn 90%", anh cho biết.

Để giúp cây đứng vững khi trái trưởng thành, anh Quyền sử dụng hệ thống giá đỡ. Anh cũng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây để đảm bảo lượng nước ổn định.

Một phần còn lại của vườn, anh Quyền trồng nhiều loại cây khác nhau như ổi nữ hoàng, bầu, bí, mướp, dưa leo, cà chua. Hiện tại, chủ vườn trồng thêm các loại nho móng tay, nho đen, nho đỏ... dự kiến tháng 11 bói quả.

Để phòng sâu bệnh cho rau, anh Quyền mua tỏi, ớt về rửa, giã nhuyễn bỏ tủ lạnh. Nếu có sâu bệnh, cách ngày anh phun một lần, liên tục trong ba lần. Nếu không có sâu bệnh, anh phun phòng bằng cách pha loãng theo tỉ lệ 5-7ml tỏi ớt/lít nước sạch, tưới mỗi tuần một lần.

Rau ở sân thượng và ban công giờ gia đình ba người của anh Quyền ăn không xuể, phải bán, tặng học viên, bạn bè. Khu vườn sân thượng giờ là nơi gia đình anh trốn ồn ào phố thị, áp lực cuộc sống. Mỗi sáng, tối, cả nhà cùng nhau trồng rau, cây ăn quả, ngắm cảnh và thưởng trà.

"Vườn có tác dụng tuyệt vời là giúp 'cai nghiện điện thoại'. Thay vì cho con gái bốn tuổi ôm điện thoại, chúng tôi cùng nhau làm vườn, chơi trên chính khu vườn này", anh nói.

Nhật Minh
Ảnh nhân vật cung cấp