Thị trường đất nền Hà Nội ra sao sau quy định được phép tách thửa?

Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan.com.vn đánh giá việc cho phép tách thửa trở lại là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội.

Ngày 22/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTĐĐ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Quyết định này đã phần nào ảnh hưởng tới giao dịch đất nền tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ngày 26/4 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2869 về việc bãi bỏ Văn bản 1685. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc điều chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Ngoài ra, việc giao dịch đất nền trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến nay do nhiều nguyên nhân như nguồn vốn, lãi suất, nguồn cung. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, đất nền các khu vực như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm trong quý đầu năm nay đều có giá rao bán giảm từ 1% - 13% so với quý 4/2022, mức độ quan tâm cũng giảm từ 4% - 24% tùy từng khu vực.

Trong đó, giá đất nền giảm nhiều nhất ở huyện Thanh Trì (giảm 13%) và mức độ quan tâm giảm nhiều nhất ở huyện Gia Lâm (giảm 24%).

Trong tháng 4, mức độ quan tâm đất nền Hà Nội sụt giảm 5% và lượng tin đăng giảm 13% so với tháng trước đó. 

Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan.com.vn đánh giá việc cho phép tách thửa trở lại là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội.

“Tuy nhiên, để thị trường đất nền phát triển bền vững hơn thì cần trợ lực lớn hơn như đẩy mạnh dịch chuyển các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, dự án, trường đại học ra ngoại thành Hà Nội; đầu tư quyết liệt hơn cho các khu đô thị vệ tinh phía Tây như Hòa Lạc, Xuân Mai và phía bắc Sông Hồng như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.

Cùng với đó, thị trường cần các gói cho vay mua bất động sản với lãi suất phù hợp hơn, dưới 10% thay vì trung bình 11% - 13% và ưu tiên việc cho vay với những bất động sản được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra dòng tiền và ổn định hơn là các bất động sản đầu cơ”, ông Hảo chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường đang có một vài tín hiệu tích cực hơn so với quý 1/2023. Xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền ổn định.

Thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa nhanh và có tiềm năng phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính hay đô thị mới. Ví dụ như đất nền ở các thành phố lớn, những khu vực có tiện ích và kết nối hạ tầng đầy đủ, gần kề các khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng trong trung hạn.

“Những tỉnh có đầu tư FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu. Chỉ có những loại đất đầu cơ không có giá trị sử dụng cao, ở các tỉnh/thành phố chưa có hạ tầng và kết nối tốt hoặc những khu vực mà cả ngày mới thấy một chiếc xe ô tô đi qua và mua xong để đó thì mới bị giảm giá, thậm chí giảm cực sâu mà không có thanh khoản. Vì vậy trong giai đoạn này, người mua đất nền có nhiều sự lựa chọn và cần tính toán hướng đi dài hạn với đất nền thay vì lướt sóng đầu cơ”, ông Quốc Anh khuyến nghị.