Dầu tăng
Giá dầu đóng cửa tăng mặc dù nguồn cung xăng của Mỹ bất ngờ tăng vọt, do nhà đầu tư lo lắng rằng khả năng mở rộng chiến tranh tại Gaza có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Trung Đông.
Chốt phiên 26/6, dầu thô Brent tăng 0,24 USD hay 0,3% lên 85,25 USD/thùng. Dầu WTI tăng 0,07 USD lên 80,90 USD/thùng.
Trong đầu phiên, giá dầu giảm sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, gây bất ngờ cho các nhà phân tích trong thăm dò của Reuters những người đã dự đoán giảm.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ lo lắng về tiêu thụ xăng của Mỹ yếu trong cao điểm đi lại mùa hè.
Lượng xăng sử dụng của Mỹ chiếm khoảng 10% tiêu thụ trên toàn cầu và nhu cầu xăng ở nước này trong tuần trước giảm 3,6% so với một năm trước xuống khoảng 8,9 triệu thùng/ngày. Dự trữ nhiên liệu này bất ngờ tăng ngay cả khi các nhà máy lọc dầu cắt giảm sản lượng.
Vàng giảm xuống mức thấp nhất hai tuần
Giá vàng giảm gần 1% xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần bởi USD và lợi suất trái phiếu mạnh hơn, trong khi nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát của Mỹ công bố vào cuối tuần này.
Vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.301,16 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 10/6. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,8% xuống 2.313,2 USD/ounce.
USD tăng 0,4% lên gần mức đỉnh hai tháng so với các đối thủ khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt cao nhất trong gần hai tuần.
Đồng giảm
Giá đồng xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng dưới áp lực của USD mạnh lên, những lo ngại về nhu cầu hiện tại ở Trung Quốc và dự trữ ngày càng tăng.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London LME đóng cửa giảm 0,3% xuống 9.543 USD/tấn sau khi xuống 9.508 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/4. Giá đã giảm 14% kể từ khi việc mua vào đầu cơ khiến giá lên cao kỷ lục 11.104,5 USD/tấn trong ngày 20/5.
Chỉ số USD tăng 0,3% sau khi USD đạt mức cao mới trong 38 năm so với đồng JPY. USD mạnh lên khiến các hàng hóa định giá bằng USD đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Những dấu hiệu nhu cầu yếu tại Trung Quốc gây sức ép hơn nữa lên đồng.
Dự trữ đồng tại các kho LME tiếp tục tăng, với số liệu LME hàng ngày cho thấy 2.700 tấn đã tới nâng lượng dự trữ lên 175.475 tấn, cao nhất trong hơn 6 tháng.
Tuy nhiên, nguồn cung từ mỏ đồng khan hiếm có thể khiến giá kim loại này tăng trong nửa cuối năm.
Quặng sắt tiếp tục tăng
Giá quặng sắt tiếp tục tăng phiên thứ hai liên tiếp bởi một làn sóng mua vào trên thị trường giao ngay của Trung Quốc và những đặt cược rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 3,4% lên 826 CNY (113,67 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 21/6.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 7 tăng 3,8% lên 107 USD/tấn.
Nhu cầu trong ngắn hạn với thành phần quan trọng sản xuất thép này vẫn mạnh, một phần vì quặng sắt có chi phí cạnh tranh hơn thép phế liệu, một nguyên liệu đầu vào khác để sản xuất thép.
Số liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy khối lượng quặng sắt giao dịch tại các cảng lớn tăng vọt 9,3% so với ngày 24/6 lên khoảng 1,09 triệu tấn trong ngày 25/6.
Theo một tuyên bố của chính quyền địa phương, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 26/6 đã hạ tỷ lệ trả trước tối thiểu cho người mua nhà lần đầu xuống không ít hơn 20%.
Số liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho thấy sản lượng thép thô hàng ngày của các nhà sản xuất thép đã giảm 2,8% xuống khoảng 2,19 triệu tấn từ 11/6 tới 20/6 so với giai đoạn 10 ngày trước đó.
Các nhà phân tích cho biết, một số nhà sản xuất thép dựa trên lò hồ quang điện đã giảm quy mô sản xuất sau khi thua lỗ ngày càng gia tăng, góp phần khiến sản lượng thép thô giảm.
Tại Thượng Hải, giá thép thanh tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 0,6%, dây thép cuộn tăng 0,8% và thép không gỉ tăng 0,7%.
Cao su giảm
Cao su Nhật Bản kết thúc hai ngày tăng, do giá cao su nhân tạo yếu hơn, mặc dù đồng JPY yếu hạn chế đà giảm giá hơn nữa.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4 JPY hay 1,2% xuống 331,5 JPY (2,07 USD)/kg, giảm từ mức đóng cửa cao nhất một tuần phiên trước đó.
Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 9 giảm 165 CNY xuống 15.100 CNY (2.078,03 USD)/tấn.
Cà phê giảm, đường tăng
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 58 USD hay 1,4% xuống 4.059 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá trên thị trường giao ngay tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới ổn định ở gần mức kỷ lục. Tuy nhiên thị trường Việt Nam vẫn khan hiếm, với dự trữ cuối tháng 5 là 238.020 tấn, giảm 171.078 tấn so với một năm trước.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 2,2% xuống 2,2435 USD/lb, giá đã giảm 2,9% trong phiên trước đó.
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,7% lên 19,24 US cent/lb, phiên trước đó giá đã giảm 1,6%.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng tăng 7,5 USD hay 1,3% lên 569,2 USD/tấn.
Đậu tương, ngô giảm, lúa mì ổn định
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm do nhà đầu tư cân nhắc ảnh hưởng của nắng nóng và lũ lụt ở miền trung Mỹ với vị thế của họ trước báo cáo diện tích trồng trọt của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 3-1/4 US cent xuống 11,42-1/4 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 9 chốt phiên giảm 6-1/4 US cent xuống 4,25-1/2 USD/bushel sau khi xuống mức thấp 4,24-1/4 USD/bushel trước đó trong phiên này.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông giao tháng 9 ổn định tại 5,60-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/6