Sáng 26/5, ngay sau khi Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 kết thúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Bảo đảm quyền lợi cho 200.000 người bị nợ BHXH
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực trong việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực phối hợp các cấp công đoàn để giải quyết kịp thời nhu cầu, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập và vấn đề nhà ở.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết một số vấn đề. Ông Khang đề nghị Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp các bộ, ngành sớm nghiên cứu thực hiện yêu cầu giảm giờ làm việc của người lao động xuống dưới 48 giờ/ tuần mà Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã giao. “Thực hiện việc giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ nói. Ông đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…
Trả lời, Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói rằng, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm và Bộ rất quan tâm tìm cách giải quyết. Nhắc đến việc Quốc hội từng cho phép xóa nợ thuế, ông Dung cho biết, đã đề nghị BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét xóa nợ bằng nguồn kết dư của Quỹ BHXH và các nguồn dự trữ. “Hơn 200.000 người lao động bị treo quyền lợi BHXH, trong khi đó, đây chính là tiền của người lao động đóng góp, chứ không phải Nhà nước hay tư nhân đóng cho người ta”, ông Dung nêu.
Phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Từ đó, ông nêu ra ba bứt phá về vấn đề này, gồm: bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân.
Đột phá trong phát triển nhà ở cho công nhân
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu “nói thật, làm thật, không hình thức, không màu mè”; “đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện” và có kiểm tra, đánh giá, sao cho quan hệ phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích chính đáng cho người lao động.
Định hướng những vấn đề lớn cần quan tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Với vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, Thủ tướng yêu cầu phải đặc biệt quan tâm. “Nhà ở là một trong những vấn đề lớn nhất của con người, “an cư mới lạc nghiệp”, nhà ở có thể mua, thuê hoặc thuê mua”, Thủ tướng nói và yêu cầu phải có bước đột phá trong phát triển nhà ở cho người lao động trong thời gian tới.
Liên quan đề nghị giảm giờ làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét kiến nghị phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi tập trung đông công nhân, người lao động. Lưu ý một số nội dung về tài chính công đoàn, Thủ tướng đề nghị cần quản lý tài chính chặt chẽ, khai thác tài sản hiệu quả theo quy định, thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, tạo điều kiện để công đoàn viên được hưởng dịch vụ tốt theo cơ chế thị trường.