Tiền không còn rẻ trên thị trường liên ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng trở lại sau khi NHNN hút về lượng lớn tiền Đồng và tăng trưởng tín dụng bứt tốc mạnh mẽ vào cuối tháng 9.

Trong phiên giao dịch 5/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày với khối lượng trúng thầu đạt gần 10.000 tỷ đồng. Đây là phiên hút thanh khoản qua tín phiếu thứ 11 liên tiếp của Nhà điều hành với tổng khối lượng lũy kế đạt gần 130.700 tỷ đồng.

Trước đó, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào phiên 21/9 sau hơn 6 tháng tạm ngưng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá ổn định.

Thực tế, sau khi NHNN rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng lớn thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong những phiên gần đây.

Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 90% giá trị giao dịch) trong phiên 3/10 đã tăng lên 0,74% từ mức 0,55% ghi nhận vào phiên trước đó (2/10) và 0,19% vào cuối tháng 9. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối tháng 6/2023 và cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng của các ngân hàng (0,1 - 0,5%/năm).

Tiền không còn rẻ trên thị trường liên ngân hàng - Ảnh 1.

Gần 198.000 tỷ được các ngân hàng vay mượn qua đêm lẫn nhau với lãi suất 0,74% trong phiên 3/10. (Nguồn: SBV)

Không chỉ lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng liên tục tăng trong những phiên gần đây. Tính tới phiên giao dịch 4/10 và 5/10, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng lên mức 1,3%, cao nhất kể từ đầu đợt phát hành. Cùng với đó, số lượng thành viên tham gia đấu thầu tín phiếu giảm xuống còn 4 – 9 thành viên so với mức 11 - 17 thành viên trong những phiên chào thầu đầu tiên đồng thời quy mô trúng thầu có xu hướng thu hẹp.

Những tín hiệu trên cho thấy thanh khoản hệ thống đã phần nào bớt dư thừa.

Tiền không còn rẻ trên thị trường liên ngân hàng - Ảnh 2.

Kết quả chào thầu tín phiếu. (Nguồn: Trọng Tín tổng hợp từ SBV)

Trong một diễn biến có liên quan, số liệu mới được NHNN công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc mạnh trong tuần cuối tháng 9. Theo đó, quy mô tín dụng đến ngày 29/9 đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với đầu năm và cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Trước đó, cơ quan quản lý từng cho biết đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm, đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9, tín dụng tăng được 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.

Theo giới phân tích, tăng trưởng tín dụng khởi sắc đi cùng hoạt động hút tiền qua tín phiếu của NHNN là yếu tố khiến thanh khoản hệ thống không còn quá dư thừa và lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại.

Trước đó, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sâu kể từ đầu tháng 5/2023, xuống ngang mức thấp kỷ lục ghi nhận vào giai đoạn nửa cuối năm 2020 trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 3 tháng qua đã gây ra sức ép lên tỷ giá khi chênh lệch lãi suất giữa USD – VND lên tới 4 – 5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, nhất là khi đồng bạc xanh liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế.

Tiền không còn rẻ trên thị trường liên ngân hàng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Khánh, chuyên gia nhiều năm làm việc trong mảng kinh doanh ngoại hối và nguồn vốn của các ngân hàng, hoạt động phát hành tín phiếu cho thấy tín hiệu về mặt tái kiểm soát lãi suất liên ngân hàng của Nhà điều hành. Từ đó, nếu xuất hiện các tình huống xấu diễn ra NHNN sẽ dễ dàng điều tiết hơn mà không gây những “cú shock” cho thị trường tiền tệ. Cụ thể, việc hút tiền qua tín phiếu sẽ khiến một lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước, không tác động xấu tới tỷ lệ thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại hay thanh khoản thị trường. Việc hút tiền này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà chỉ gián tiếp tác động lên tỷ giá.

Theo ông Khánh, lãi suất liên ngân hàng khó có thể duy trì ở mức thấp như giai đoạn trước không chỉ bởi hoạt động hút tiền qua tín phiếu của NHNN, mà còn đến từ các yếu tố thị trường khác như: tín dụng thường tăng mạnh vào cuối năm, sự ấm lên của thị trường bất động sản hay tăng đầu tư công làm tiền gửi Kho bạc Nhà nước trong hệ thống sẽ không quá dồi dào,…