Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp
Tiếp tục kiến nghị hỗ trợ ngành hàng không, du lịch
(NLĐO)- Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị nhà nước tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành hàng không, du lịch trong năm 2024, nhất là các hãng hàng không Việt Nam
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam
Theo đại diện VABA, trong đại dịch COVID-19, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đã giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn và duy trì hoạt động để sớm phục hồi. Tuy nhiên, năm 2023 và dự báo 2024, ngành hàng không vẫn còn đương đầu với những thách thức rất lớn về giá xăng dầu, tỉ giá, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm.
Sau những "di chứng" từ đại COVID-19, doanh thu của các hãng hàng không có khởi sắc nhưng các chi phí đầu vào tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận tăng không tương xứng và chưa thể bù lỗ lũy kế để sớm phục hồi tài chính.
Hiện nay, giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí khi các biến động đầu vào như giá nhiên liệu, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay, chi phí không lưu không giảm, khung giá trần vé bay vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh và điều này dẫn đến việc các hãng bay chưa thể đạt được kết quả doanh thu tốt nhất. Dù các hãng hàng không hiện đã cắt giảm tối đa các chi phí nhằm duy trì mức giá hợp lý nhưng doanh thu không đủ bù chi.
Ngoài ra, do kinh tế thế giới và trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức, người dân cũng tiết giảm chi phí tiêu dùng dẫn đến việc sản lượng hành khách chưa đạt được như kỳ vọng. Giá vé máy bay trung bình dịp Hè 2023 đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019 để thu hút hành khách đi lại nhưng đợt cao điểm hè lại kết thúc rất sớm. Đến cuối tháng 7-2023, nhu cầu đi du lịch bằng đường hàng không đã giảm sâu trong khi theo thông lệ cao điểm hè thường kéo dài đến hết tháng 8, thậm chí là giữa tháng 9.
Theo ông Bùi Doãn Nề, các biến động đầu vào của vé máy bay đã tăng cao hơn rất nhiều nhưng khung trần vé máy bay vẫn giữ nguyên từ năm 2015 và thực tế này hiện đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa. Trong bối cảnh các hãng hàng không liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao ngay sau khi chưa kịp phục hồi do dịch COVID-19, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Mặt khác, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã có tính cạnh tranh ngày càng cao, vì vậy, giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không.
Việc nới nhẹ khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, đại diện VABA cũng cho rằng về lâu dài, nên thực hiện cơ chế thị trường một cách triệt để hơn, không quy định giá trần cho các dịch vụ vận chuyển hàng không.
Giá vé máy bay trên thế giới ra sao?
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Ví dụ như chặng Hà Nội - TP HCM, mức giá/km cao nhất quy định chỉ khoảng 0,11 USD/km; trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai mức giá/km cao nhất của Thai Airways là 0,22 USD/km (cao gấp 2 lần so với Việt Nam); chặng bay Bắc Kinh - Thượng Hải của Air China là 0.27 USD/km; chặng bay Pusan- Jeju của Asiana Airlines ở mức 0,32 USD/km.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Thống kê về giá tiêu dùng Mỹ, về tổng thể, giá vé máy bay trên phạm vi toàn cầu hiện đang cao hơn 15-17% so năm 2022 do các chi phí đầu vào tăng cao.